Chuỗi hoạt động giáo dục di sản dịp Trung thu Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Với chủ đề chuỗi sự kiện năm 2023 là "Ký ức mùa trăng - Lý ngư vọng Nguyệt", Trung thu tại Hồ Văn, Văn Miếu Quốc Tử Giám năm nay sẽ kéo dài với tổng cộng 10 ngày, từ 23/9 đến hết 01/10, bắt đầu từ 08h - 22h hàng ngày.
Bà Tăng Thu Hà - Giám đốc LongLink Việt Nam, Trưởng ban tổ chức cho biết: "Sau thời gian triển khai các hoạt động văn hóa tại không gian Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó có 2 năm trải nghiệm các hoạt động online khi bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng tôi mong muốn sự trở lại của chuỗi sự kiện được tổ chức theo phương pháp tương tác trực tiếp, nâng niu trải nghiệm của du khách. Thông qua các hoạt động vui đón trung thu, Ban Tổ chức ước mong sẽ truyền bá kiến thức về việc đón trung thu theo nghi lễ truyền thống, đan xen các hoạt động và sản phẩm văn hóa hiện đại. Nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu truyền và hòa quyện với các hoạt động văn hóa hiện đại vừa giúp bảo tồn và khẳng định sức sống một cách bền bỉ, dung hòa".
Theo bà Hà, nổi bật nhất tại chương trình "Ký ức mùa trăng - Lý ngư vọng Nguyệt" là trải nghiệm "Cá chép vượt vũ môn" với nhiều hoạt động tranh tài, mỗi người thắng cuộc sẽ là những "cá chép vượt vũ môn" trên con đường học vấn và sự nghiệp, để thong dong tự tại như "lý ngư vọng nguyệt". Các hoạt động gồm trò chơi thắp sáng ước mơ tri thức. Các thành viên trong 1 gia đình, cùng nhau vượt qua các thử thách như "nhanh mắt nhanh tay", "khéo tay hay làm", "thăng bằng trên cầu khỉ"... để cùng nhau treo được đèn lồng trung thu vào đúng nơi quy định sẽ là những "cá chép vượt vũ môn". Qua các hoạt động cùng nhau, từng thành viên trong đoàn/gia đình sẽ có thêm sự gắn bó, cùng nhau trải nghiệm vượt qua các rào cản, như "cá chép vượt vũ môn".
Các em nhỏ tham gia hoạt động làm đèn ông sao. Ảnh: VGP/Minh Anh
Với cuộc thi check-in chủ đề trung thu với nội dung: "Tôi yêu Hồ Văn", người dân thủ đô và du khách sẽ có nhiều không gian chụp ảnh về văn hóa Việt Nam dựng lại nhiều tích xưa và các góc check-in xanh mướt với hệ thống cây xanh là dược liệu, cây cỏ Việt Nam, mùa trăng 2023 với hàng ngàn ánh đèn lồng lung linh... Người tham dự cuộc thi ảnh "Tôi Yêu Hồ Văn" sẽ chia sẻ những khoảnh khắc, những xúc chạm chân thật nhất khi bạn trải nghiệm các không gian văn hóa nơi đây. Giải thưởng cho tác phẩm ảnh xuất sắc là các combo chuỗi sản phẩm dịch vụ tại Hồ Văn. Ngoài ra, chuỗi sự kiện còn có Hội sách khởi động các hoạt động của không gian văn hóa đọc và học tại Hồ Văn với thông điệp "nhân tri thức, tích tinh hoa".
Chuỗi hoạt động tương tác trải nghiệm giáo dục di sản chủ đề trung thu dành cho đối tượng mầm non, học sinh đã được định vị nhiều năm qua vẫn tiếp tục được triển khai, được đón nhận sự ủng hộ của các thầy cô và háo hức của các con từ khối trường học trong nội thành và vùng ven đô.
Phục dựng mẫu đèn trung thu cổ tại Hoàng Thành Thăng Long
Từ hôm nay 19/9, du khách đến Khu Di sản Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) sẽ được trải nghiệm Tết Trung Thu xưa qua chương trình "Vui Tết Trung thu" năm 2023 do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức và thưởng lãm các mẫu đèn trung thu cổ bị thất truyền.
Với chủ đề "Đèn trung thu lung linh", chương trình được tổ chức góp phần tạo ra một sân chơi đặc sắc, giúp các em nhỏ cùng du khách có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa nói chung và Tết Trung thu nói riêng.
Tại đây, các em nhỏ và du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, lý thú. Đó là, tham quan không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa.
Các nghệ nhân ở Phố cổ Hà Nội đã phục dựng các mẫu đèn trung thủ cổ bị thất truyền như đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn trống.
Dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như Henri Oger, Albert Kant; Bảo tàng Quai Branly (Pháp)..., Trung tâm đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung Thu xưa ở Phố cổ Hà Nội, Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh)... phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán... Nổi bật nhất là đèn cá chép hóa long, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn trống... Bên cạnh đó vẫn là các gian hàng bày đồ chơi trung thu truyền thống như ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy trông trăng mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, tàu thủy sắt tây, thỏ đánh trống, tò he, thiên nga nhồi bông...
Không gian đón Trung thu tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng
Hình ảnh về Tết Trung thu xưa sẽ được trưng bày tại phố cổ
Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết, chuỗi hoạt động Tết Trung thu truyền thống năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 22 - 29/9 ở các điểm di sản khu vực phố cổ và không gian phố bích họa Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, Ban Quản lý phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước giới thiệu bộ ảnh và tư liệu chủ đề "Trở về Trung thu xưa". Với gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh, triển lãm sẽ giúp công chúng tìm hiểu những nghi lễ Tết trung thu chốn Hoàng cung, không khí Tết Trung thu rộn ràng trên phố phường Hà Nội xưa. Tại đây còn có không gian sắp đặt vui Tết trung thu cho trẻ em qua các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống.
Trong Ngôi nhà Di sản, số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm sẽ tái hiện không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu xưa, giới thiệu tục phá cỗ, trông trăng, hướng dẫn làm bánh Trung thu… Tại Đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào cũng tổ chức sắp đặt không gian Tết Trung thu; giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay. Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, số 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm sẽ có biểu diễn Rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào 20h ngày 28/9.
Nhiều hoạt động trải nghiệm, giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống cũng đồng thời được Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội duy trì phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội tổ chức tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ như: Trải nghiệm làm con giống bột với "Lớp học tò he" cũng nghệ nhân Đặng Văn Hậu, đến từ làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội; làm đèn ông sao truyền thống "Lồng đèn đón trăng" cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, đến từ xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội; các không gian trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống: mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn.
Không gian bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ có trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu, hướng dẫn các trò chơi dân gian, trình diễn thời trang trẻ em, biểu diễn âm nhạc thiếu nhi.
Tết Trung Thu là một trong 4 lễ Tết lớn nhất của người Việt. Thời xa xưa, người nông dân thường ngắm trăng, tiên đoán thời tiết, dự đoán mùa màng. Ngay từ thời Lý, Trung thu đã trở thành một lễ hội mang tính quốc gia, diễn ra đồng thời ở chốn cung đình và trong dân gian. Ngoài các nghi lễ quan trọng của hoàng gia, nhà vua còn mở hội ba ngày cho nhân dân vui chơi. Khắp nơi trong Kinh thành Thăng Long đều được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy.
Đến các triều đại phong kiến sau, Trung thu vẫn là lễ tết quan trọng của hoàng tộc và đất nước. Ngoài dân gian truyền thống, các gia đình thường làm cỗ cúng gia tiên vào ban ngày, buổi tối bày cỗ thưởng trăng.
Nguồn: www.chinhphu.vn