Nhiều trường hợp nông dân mua phải hàng dỏm, đã phải cắn răng chịu đựng vì không thể tìm được nơi sản xuất, thua kiện đại lý do thiếu cơ sở pháp lý.
Phân bón mà như đất sét
Chiều ngày 27/6, ông Nguyễn Minh Tuấn (nhà ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, mặc dù lúa đã được bón phân NPK rất lâu, nhưng cho tới nay vẫn phát triển rất chậm. Vài ngày, ông Tuấn mới đi thăm đồng một lần, nhưng vẫn không thấy phân không tan, mà vẫn ‘nằm im’ y như cục đất sét.
Một nông dân khác là anh Hồ Anh Tuấn ở Phụng Hiệp – Cần Thơ kể lại rằng, mới đây, anh Tuấn sang xã kế bên mua 5 bao phân NPK để bón cho lúa. Là một nông dân lâu năm, nhiều kinh nghiệm, anh Tuấn phát hiện ngay trong tổng số các bao phân này, có một bao phân hạt không được tươi màu như những bao khác, mà có một màu đen khác thường.
“Tôi nghi rằng bao phân này có chất lượng kém, khác thường, nhãn hiệu của bao phân nhìn bề ngoài thì không có gì khác so với các bao phân bình thường. Nếu phân tốt, đưa ra nắng vài phút thì hạt phân sẽ nóng chảy ra, còn hạt phân này lại khô như đất” – anh Tuấn kể lại.
Chỉ cần vò nhẹ bàn tay, ông Nguyễn Minh Hoàng ở xã Mỹ Hòa – huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã nghiền nát được cả nắm phân NPK do một công ty có trụ sở ở TP.HCM sản xuất.
Ông Hoàng kể lại, ông mua 5 bao phân này ở một đại lý tại xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười. Sau khi phát hiện được dấu hiệu không bình thường ở những bao phân NPK này, ông Hoàng đã khiếu nại, và được công ty sản xuất hoàn lại tiền của 5 bao phân, hỗ trợ thêm 3 bao phân chất lượng khác, để đổi lại lấy được chữ ký của ông Hoàng trong đơn bãi nại.
Xử phạt: Quá nhẹ và thiếu kiên quyết
Theo đại diện của nhiều cơ quan chức năng, việc xử phạt phân bón giả, kém chất lượng còn chậm trễ, chưa đủ sức răn đe, là do chế tài để xử lý vẫn còn quá nhẹ, thiếu kiên quyết.
Đại diện Chi cục QLTT TP.HCM cho rằng, mức xử phạt theo đúng quy định như hiện nay đúng là quá nhẹ, vì mức phạt chỉ ở khung khoảng vài triệu đồng, chẳng thấm tháp vào đâu, so với mức lợi nhuận của việc sản xuất phân bón giả mang lại.
Cũng theo vị đại diện này, thậm chí, đã từng có lúc, người vi phạm khi nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn cười, vì mức phạt tiền được cho rằng quá nhẹ so với hành vi sai phạm.
Tương tự, ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cũng đồng ý với quan điểm cho rằng, mức phạt còn quá nhẹ, chỉ từ vài triệu cho đến 10 triệu đồng thì chẳng đáng gì, so với lô hàng vi phạm trị giá vài tỷ đồng.
Cũng giống như vậy, mức phạt rõ ràng là cũng chẳng xứng với việc nông dân phải chịu thiệt hại từ việc bón phân dỏm cho cây trồng.
Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Quốc Xinh chia sẻ: Việc lấy mẫu, phân tích rồi cho ra kết quả của phân bón hiện nay quá lâu, có khi đến hơn 1 tháng, cũng không đủ để có tác dụng ngăn chặn phân bón kém.
Bởi lẽ, ông Xinh cho biết, hiện quy định không cho phép tạm giữ hàng, khi chưa có kết quả phân tích mẫu của cơ quan chức năng. Do vậy, đến khi cầm tờ kết quả phân tích mẫu trong tay, thì các đại lý phân bón đã vô tư bán cho nông dân.
“Lúc đó, phân bón kém đã nằm dưới ruộng, còn nông dân đã bỏ ra tiền đi mua phân bón, mà không mang lại kết quả gì” – ông Xinh nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn