Theo đánh giá của Hiệp hội cà phê ca cao VN, với độ cao địa hình trung bình từ 700 – 900 m so với mực nước biển, huyện Mường Ảng là một trong những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao.
Cây thoát nghèo cho bà con nông dân
Theo thống kê, niên vụ 2015 – 2016, toàn huyện Mường Ảng hiện có trên 3.400 ha cà phê các loại; trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch (cà phê kinh doanh) là trên 2.000 ha, năng suất ước tính vào khoảng 18 – 19 tấn quả tươi/ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 30.000 tấn cà phê tươi. Tuy nhiên, niên vụ 2015 – 2016 lại đánh dấu thời điểm giá cà phê xuống thấp. Hiện nay, giá cà phê trấu giảm xuống chỉ còn 28.000 – 30.000 đồng/kg; cà phê tươi được thu mua với giá khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng, cá biệt giai đoạn mới vào vụ thu hoạch, có thời điểm cà phê tươi giảm chỉ còn 2.800 – 3.000 đồng/kg, chưa bằng 50% so với niên vụ trước.
Như vậy, sau khi trừ các loại chi phí thì người trồng cà phê khó có thể có lãi, thậm chí còn phải bù lỗ…
Theo nhiều hộ trồng cà phê ở huyện Mường Ảng, không tính tiền giống ban đầu, chi phí đầu tư trung bình cho mỗi ha cà phê không thể dưới 40 triệu đồng/năm, trong khi với giá thu mua hiện nay, người dân chỉ có thể thu về khoảng 30 – 35 triệu đồng/ha, như vậy vẫn phải bù lỗ.
"Cà phê Mường Ảng hiện đã đặt chân vào hệ thống siêu thị Big C, siêu thị của Vingroup".
Giải bài toán phát triển cà phê bền vững
Theo ông Hoàng Thanh Hải – Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, trong giai đoạn tới huyện sẽ tập trung xây dựng nhãn hiệu tập thể “cà phê Mường Ảng” góp phần nâng cao vị thế và sức mạnh của sản phẩm địa phương. Đến nay, huyện đã phối hợp với tỉnh quảng bá và giới thiệu cà phê Mường Ảng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ và một số ấn phẩm, tạp chí. Trước mắt, cà phê Mường Ảng cũng đã đặt chân vào hệ thống siêu thị Big C, siêu thị của Vingroup.
Mới đây, UBND huyện Mường Ảng cũng đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại quảng bá cà phê Mường Ảng. Hội nghị đã giới thiệu cơ hội tiềm năng và chính sách của địa phương về cây cà phê để quảng bá thương hiệu cây cà phê đến với DN và người tiêu dùng nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê Mường Ảng.
Đồng thời huyện Mường Ảng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác cà phê sạch; thực hiện cải tạo vườn cây hiện có thành vườn cà phê sạch; vận động người làm cà phê chỉ thu hái quả chín từ 95% trở lên, không hái quả xanh đề đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến cà phê theo công nghệ tiên tiến, với công suất vừa phải, phù hợp với sản lượng cà phê tại các vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện.
Huyện phấn đấu đến năm 2020 có diện tích cà phê khoảng 4.200 ha, sản lượng bình quân 13.500 tấn cà phê trấu/năm; 75% diện tích cà phê được trồng cây che bóng, trong đó 35% diện tích được trồng các loại cây che bóng có giá trị kinh tế cao; mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cà phê cho khoảng 1.000 nông dân/năm; triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 cho 100% sản lượng cà phê… Hội cà phê Mường Ảng cũng tiếp tục liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội cà phê – cacao Việt Nam, nắm chắc diễn biến thị trường để kịp thời tư vấn, hướng dẫn người trồng cà phê thỏa thuận giá cả mua bán với tư thương, tránh tình trạng bị ép giá.
Phương Hà/enternews.vn