Vẫn còn nhiều vướng mắc
Đối với Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những chính sách tối quan trọng. Các chính sách thu hút tập trung chủ yếu ở các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư tới các ưu đãi cụ thể cho đầu tư sản xuất linh kiện trong ngành lắp ráp ô tô.
Tuy nhiên, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đối với ngành CNHT còn tồn tại một số vướng mắc. Pháp luật về đầu tư của Việt Nam hiện nay mới chỉ quy định sản xuất sản phẩm CNHT nói chung thuộc lĩnh vực ngành nghề ưu đãi đầu tư mà chưa có các quy định đặc thù cho các ngành CNHT có hàm lượng kỹ thuật cao như CNHT ngành ô tô. Các quy định ưu đãi đầu tư đưa ra mức ưu đãi chung cho tất cả các dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi. CNHT ô tô bao gồm rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự đa dạng về công nghệ và kỹ thuật, việc quy định chung như vậy không khuyến khích đầu tư vào công đoạn có kỹ thuật cao hoặc lĩnh vực đem lại lợi thế cho Việt Nam mà chỉ khuyến khích xu hướng đầu tư để hưởng ưu đãi. Thêm nữa, trong giai đoạn đầu phát triển, để khắc phục tình trạng thiếu vốn, cần phải khuyến khích các dự án quy mô vốn lớn vào CNHT ô tô. Những ưu đãi chung không xét đến quy mô về vốn không tạo động lực cho các nhà đầu tư tiến hành đầu tư lớn.
Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đối với CNHT ô tô hiện nay còn rất sơ sài, chưa thể hiện được sự quyết tâm phát triển ngành CNHT ô tô, cũng như chưa thể là công cụ hữu hiệu khuyến khích sự phát triển của ngành.
Việt Nam - thị trường hấp dẫn
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Với dân số gần 100 triệu dân, điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển ngành công nghiệp ô tô. Đây là ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam đặc biệt ưu tiên phát triển.
Thời gian qua, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có sự xuất hiện của của những tên tuổi như Hyundai, THACO (dự án Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải mở rộng), VinGroup (dự án Vinfast); hay trước đó là giai đoạn “khai mở” thị trường của các “ông lớn” như Toyota, Honda, Ford… đã cho thấy sức hút của thị trường Việt Nam với ngành này.
Báo cáo của Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) về ngành CNHT sản xuất ô tô cho thấy, mặc dù Việt Nam là thị trường ô tô tiềm năng với sự góp mặt khá sớm của những tên tuổi hàng đầu nhưng tỷ lệ nội địa hóa chỉ loanh quanh 10-12%.
Trong cấu trúc linh kiện xe, Việt Nam nhập khẩu đến 85%, bao gồm động cơ, hộp số, toàn bộ thân vỏ xe, linh kiện điện tử, linh kiện thép, nhựa ép chất lượng cao. Còn nội địa hoá 15% linh kiện cồng kềnh như ghế, bộ dây điện…
Ngoài một số lợi thế liên quan tới nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí rẻ; ngành sản xuất linh kiện cũng còn tồn tại các bất lợi khác như thị trường còn nhỏ, thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu như thép, nhựa, trình độ kỹ thuật sản xuất còn thấp, thiếu kinh nghiệm quản trị…
Thực tế trên cho thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực CNHT ô tô của doanh nghiệp là rất lớn, đặc biệt là các DN nước ngoài với nhiều tiềm lực mạnh mẽ.
Công nghiệp ô tô Việt Nam kỳ vọng đón sóng FDI
Sau giai đoạn chững lại với sự “đổ bộ” của hàng loạt “ông lớn” như Toyota, Honda, Ford, Hyundai… vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, mới đây, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Ấn Độ (ACMA) đã có chuyến thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với hiệp hội ngành hàng, các nhà sản xuất ô tô, các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này làm dấy lên kỳ vọng một làn sóng vốn nước ngoài sẽ đổ vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Theo ông Yuvraj Kapuria - Chủ tịch ACMA, Ấn Độ có ngành sản xuất ô tô phát triển, đứng thứ 4 thế giới, đóng góp 7,1% cho GDP của Ấn Độ và tạo việc làm cho 200 triệu lao động. Do đó, ngành CNHT sản xuất phụ tùng và cấu phần ô tô là lĩnh vực quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Ấn Độ, đạt doanh thu 16 tỷ USD.
Trong những năm qua, linh kiện phụ tùng ô tô luôn nằm trong top mặt hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ và sản lượng nhập khẩu luôn tăng dần qua các năm, bất chấp tình hình khó khăn chung do đại dịch Covid-19 mang lại cho kinh tế thế giới. Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, năm 2021, sản lượng nhập khẩu của Việt Nam về linh kiện, phụ tùng ô tô từ Ấn Độ đạt trên 290 triệu USD và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay với số liệu thống kê 7 tháng của năm đạt trên 185 triệu USD.
Dự tính, trong năm nay và năm 2023, lĩnh vực này có mức tăng trưởng đạt 23%. Hiện nay, các doanh nghiệp đang sản xuất phụ tùng ô tô cho nhiều phân khúc, trong đó có bộ phận giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường phục vụ sản xuất xe ô tô điện, chuyển từ dùng xăng sang sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường.
Trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam và Ấn Độ có sự bổ trợ cho nhau rất lớn. Một số doanh nghiệp Ấn Độ đã hiện diện tại Việt Nam với các dự án đầu tư như Uno Minda, Spark Minda và Star Engineering đang hoạt động rất hiệu quả.
“Việt Nam đã thu hút nhiều đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, bao gồm cả những OEM và Tier 1 để hướng tới thị trường toàn cầu. Vì vậy, ACMA mong muốn hợp tác tích cực với các doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam để cùng hợp lực, khám phá các thị trường mới hơn. Chúng tôi chấp nhận mọi phương thức hợp tác, bao gồm cả đầu tư vào Việt Nam” - Ông Yuvraj Kapuria cho biết.
Trường Phạm