1. Mạng xã hội len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Chưa bao giờ việc lập ra một diễn đàn lại dễ dàng như thế, rồi "buôn bán" đủ điều. Nhiều người sợ mạng xã hội, phải "cai". Nhưng thế mới là cuộc sống. Hay hay dở tùy thuộc góc tiếp cận.
Thí dụ như về văn hóa Hà Nội, chỉ trên Facebook, giờ có đến hàng chục diễn đàn khác nhau, kết nối cộng đồng những người yêu Hà Nội: Tri thức Hà Nội, Bạn bè yêu Hà Nội... Mỗi nhóm có những đặc trưng riêng, nhưng cái chung là kết nối, lan tỏa những kiến thức, ký ức, hoài niệm, câu chuyện và tình yêu Hà Nội.
Một góc phố, một cái cây, một chiếc ghế đá, hay đơn cử một đám cưới thời xưa ở Hà Nội… cũng thành câu chuyện rôm rả, kết nối những con người chung một thành phố quê hương hay từng sống và đang sống ở Hà Nội.
Lang thang trên những diễn đàn này, tình cờ, tôi phát hiện một nhân vật có mặt trong hầu hết những diễn đàn lớn. Vừa đăng tải những câu chuyện, kiến thức về Hà Nội xưa cũ, lại cũng rất hay giới thiệu "Hà Nội cũ" trong Hà Nội mới hôm nay. Khi có những vấn đề được đưa ra, ông cũng thường có những bình luận khiêm tốn mà xác đáng. Ðó là tác giả Trần Quang Dũng.
Tôi vẫn nghĩ rằng đó là một người từng làm việc liên quan đến lĩnh vực văn hóa, lịch sử. Nhưng ông Dũng cười vui, lắc đầu bảo: "Mình chỉ là người yêu Hà Nội thôi".
Không thể nói ông Dũng là người ít kiến thức về Hà Nội. Ðể đăng tải, ông phải đọc, phải kiểm chứng không chỉ qua sách vở mà bằng chính trải nghiệm của mình. Ở tuổi 70, ông sinh trước ngày Thủ đô giải phóng chỉ vài tháng, việc "cày Facebook" như ông không dễ dàng như các bạn trẻ, song ông Dũng vẫn rất ham mê.
Sinh ra, lớn lên ở phố Hàng Thùng, bây giờ, chuyển sang phố Hàng Buồm. Cả cuộc đời gắn bó với phố cổ Hà Nội, chứng kiến biết bao đổi thay ở nơi này. Người ta yêu cái nơi người ta sinh ra là một thứ tình cảm mặc nhiên. Nhưng, với những người như ông Dũng, tình yêu ấy không đơn giản chỉ là chuyện cảm xúc.
Hà Nội đẹp bởi những con phố xinh xắn. Người Hà Nội đẹp về tâm hồn. Tình yêu Hà Nội trong ông, gồm cả "tình" và cả "lý". Những ký ức, những tình cảm về Hà Nội đọng lại trong ông cứ dày lên theo năm tháng. Facebook đem đến cho ông cơ hội để sẻ chia.
Năm 2018, ông gia nhập diễn đàn Hà Nội của chúng ta, rồi lần lượt tới các diễn đàn: Bạn bè yêu Hà Nội, Tri thức Hà Nội… Hóa ra, cái cộng đồng trân trọng văn hóa Hà Nội không phải là nhỏ.
Ông phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, cũng vì thế muốn chia sẻ nhiều hơn. Ông lang thang khắp các con phố, kể cả những ngõ nhỏ để ngắm nhìn Hà Nội. Ông sẵn sàng cuốc bộ cả mấy cây số để cảm nhận, để lắng nghe thanh âm Hà Nội, để tìm lại ký ức xưa, để chụp những tấm hình rồi chia sẻ với bạn bè, cộng đồng. Một trong những nơi ông giới thiệu với bạn bè là cà-phê Phố Hàng, một quán cà-phê gợi lại "miền ký ức" của Hà Nội xưa…
2. Một căn nhà ống sâu hun hút đến hai chục mét, chiếc cầu thang cũng là giếng trời ở chính giữa, cà-phê Phố Hàng mang đến cho những vị khách cảm nhận chân thực nhất về những căn nhà ống trong phố cổ. Và đương nhiên, điều nổi bật nhất ở đây là những câu chuyện… phố Hàng.
Quán cà-phê ba tầng nằm ở phố Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), ngoài đê sông Hồng, nhưng lên tầng hai là nhìn thấy phía chợ Ðồng Xuân, chếch tay phải là cầu Long Biên. Quán phân ra làm mấy chục góc khác nhau. Mỗi góc giới thiệu một con phố, gồm các yếu tố: Thông tin khái quát về vị trí, lịch sử hình thành; những tấm ảnh về con phố xưa…
Ðặc biệt nhất ở đó luôn có mô hình hiện vật đại diện cho mặt hàng của những con phố ấy. Phố Hàng Cót có mô hình những bó cót xinh xinh, phố Hàng Ðàn có nhạc cụ truyền thống, phố Hàng Mã có rất nhiều mặt nạ giấy bồi… Mộc mạc, xưa cũ, gợi nhớ về Hà Nội của quá khứ. Ngay đến chiếc cầu thang cũng được thiết kế khéo léo, những tay vịn nhấp nhô mang dáng dấp của những nhịp cầu Long Biên.
Nhưng, cà-phê Phố Hàng thật ra không chỉ là nơi bán cà-phê. Ðó là không gian của những người yêu Hà Nội, mà bây giờ, nó được định danh là một không gian sáng tạo.
Chủ quán là người làm trong lĩnh vực ngân hàng, khá xa lĩnh vực văn hóa, song Hà Triệu Anh, tên người chủ quán, lại muốn "kể" câu chuyện văn hóa Hà Nội.
Sinh năm 1985, trên phố Khâm Thiên, từ nhỏ, Triệu Anh được mẹ cho đi học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Rồi tất cả bạn bè từ tiểu học đến hết trung học, đều là người phố cổ, phố cũ. Sau này kết hôn, Triệu Anh cũng làm rể một gia đình sống ở phố cổ nhiều đời.
Thấu hiểu và trân trọng những giá trị của văn hóa Hà Nội xưa mà đang bị mai một ít nhiều, chàng trai này quyết định phải "làm gì đó". Triệu Anh còn mê nghệ thuật cây cảnh và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bonsai phố cổ. Câu lạc bộ cần có một không gian sinh hoạt. Những nhu cầu đó đã thúc bách Triệu Anh tái hiện không gian của một Hà Nội xưa ở cà-phê Phố Hàng này.
Hồi mới khai trương quán, Triệu Anh đặt "chỉ tiêu", mỗi tháng phải tổ chức một cuộc nói chuyện về Hà Nội xưa, cụ thể hơn, đó có thể là một con phố mà nhiều người quan tâm, hoặc có nhiều bí ẩn chưa nhiều người biết. Ðó phải là "phố Hàng". Nhưng rồi "chỉ tiêu" đó bị phá rất nhanh.
Những cuộc gặp gỡ cũng không giới hạn về phố nữa, mà là những nét đẹp văn hóa Hà Nội. Thí dụ như cách đây không lâu, là những buổi offline dành cho các bạn với chủ đề văn hóa trà sen của người Hà Nội; giới thiệu về hát xẩm, nhất là xẩm tàu điện của Hà thành, workshop làm đèn lồng với những sáng tạo từ tranh Hàng Trống - dòng tranh của đất kinh kỳ… Chính chủ quán cũng ngạc nhiên, khi giới trẻ tìm đến rất đông.
Như vậy không phải các bạn không thích, mà bởi, bình thường, các bạn không biết đến nét đẹp văn hóa Hà Nội; mà nói theo cách của những nhà nghiên cứu, những nét đẹp đó lẩn khuất dưới những xô bồ…
Cứ thế, từ nơi này, những câu chuyện Hà Nội được lan tỏa đến cộng đồng. Hà Triệu Anh cho biết: "Ước mơ gìn giữ, lan tỏa nét đẹp về Hà Nội của em nhiều lắm. Nhưng, có một ước mơ là trả lại các tên "phố Hàng" đã mất. Các con phố có tên bắt đầu bằng từ "Hàng", gắn với mặt hàng mà phố đó sản xuất, kinh doanh là đặc trưng của Hà Nội. Theo em tìm hiểu, có khoảng hơn 50 phố Hàng giờ đã mất tên. Hà Nội từng có phố Hàng Chè, Hàng Bột, Hàng Lờ, Hàng Nâu, Hàng Ðàn… Với không ít tuyến phố, việc lấy lại tên cũ không phải là quá khó nếu được chính quyền quan tâm. Và còn tốt hơn nữa, nếu ở mỗi phố Hàng ấy, có một điểm giới thiệu về những giá trị lịch sử, văn hóa của con phố xưa. Còn với cà-phê Phố Hàng, trước hết, em muốn mọi người hiểu thêm về Hà Nội. Ðể làm được điều đó, nhất là với giới trẻ, cần tìm tòi, sáng tạo, chứ không thể cứ nói Hà Nội xưa hay lắm, đẹp lắm... Thí dụ như quán cà-phê này, đầu tiên hình thức phải làm các bạn thấy ấn tượng, thấy thích, thế rồi các bạn sẽ tìm hiểu sâu hơn".
Hà Triệu Anh không đơn độc. Anh chủ quán này có một nhóm bạn là những người phố cổ, họ chung tay hỗ trợ để tổ chức các hoạt động văn hóa mang chất "phố Hàng". Mỗi người một ngành, một nghề, điều khiến họ gắn bó với những hoạt động ấy là tình yêu Hà Nội. Chưa kể, nhiều sự kiện Triệu Anh còn có hỗ trợ của các bạn trẻ tình nguyện viên.
3. Tôi có một người bạn từ tỉnh khác về Hà Nội đã lâu năm. Anh ấy bảo, mấy chục năm ở Hà Nội, mà anh chưa "gặp" người Hà Nội như trong sách vở vẫn nói. Tâm sự ấy khiến không ít người phải chạnh lòng. Hà Nội bây giờ là đô thị của mười triệu dân. Hà Nội đã mở rộng hơn trước nhiều lần. Không ai phủ nhận rằng, cái làm nên nét đẹp người Hà Nội là sự tinh tế, thanh lịch một thời đang bị "pha loãng".
Nhưng cuộc sống là những dòng chảy, cái cũ và cái mới, cái đẹp và chưa đẹp đan xen. Bún mắng, cháo chửi vẫn có. Mà vẫn có những cộng đồng trân trọng giá trị của Hà Nội như những diễn đàn về người Hà Nội, văn hóa Hà Nội trên Facebook.
Diễn đàn nào cũng có đến hàng chục nghìn người, đủ các thế hệ. Và những người yêu Hà Nội "cũ" như ông Trần Quang Dũng, không phải chỉ có một vài. Trong cuộc sống thường nhật cũng thế. Nếu để tâm hơn, ta sẽ bắt gặp nhiều con người đang gìn giữ, rồi lan tỏa những nét văn hóa Hà Nội theo những cách khác nhau.
Có những người gìn giữ ẩm thực kinh kỳ Kẻ Chợ, có người lưu giữ nét đẹp kiến trúc, có người muốn giới thiệu những nền nếp ứng xử Hà thành xưa… Hay như nếu thử đến cà-phê Phố Hàng vào một buổi offline, ta sẽ gặp rất nhiều người thực, việc thực. Và còn cả rất nhiều câu chuyện khác nữa.
Tôi vẫn thường bảo, muốn thật sự hiểu người Hà Nội thì đừng đến "nhà nọ, nhà kia". Mà hãy tìm đến… nhà dân. Như câu chuyện của ông Trần Quang Dũng, hay chủ quán cà-phê Phố Hàng Hà Triệu Anh. Những người Hà Nội bình thường, như bất kỳ người Hà Nội nào người ta có thể gặp. Họ đâu có làm việc về văn hóa. Nhưng họ lại góp phần lưu giữ và lan tỏa văn hóa Hà thành.
Hà Triệu Anh bảo, ước mơ trả lại tên phố Hàng của cậu có thể rất xa, mà cũng có thể là rất gần nếu được cộng đồng quan tâm. Và cậu có niềm tin, những ước mơ của mình về Hà Nội, một ngày nào đó, sẽ dần thành hiện thực…
Theo Nhandan.vn