Thứ Sáu, 22/11/2024 18:28:50 GMT+7
Lượt xem: 3180

Tin đăng lúc 18-12-2016

Trump, TPP và kinh tế Việt Nam

Tổng thống mới đắc cử của Mỹ – Donald Trump đã không ngần ngại tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay ngày đầu tiên nhậm chức. Kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào nếu không có TPP?
Trump, TPP và kinh tế Việt Nam
“Nếu TPP mất đi, chúng ta sẽ mất đi cái gì đó quý giá, giá trị, do tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của nó”, Thủ tướng Lý Hiển Long

Dù quyết định cuối cùng phải đợi tới khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ nhậm chức vào ngày 20/1/2017 mới được “chốt”, nhưng sau tuyên bố mới đây của ông Donand Trump về việc sẽ rút khỏi TPP ngay ngày đầu lên nắm quyền, dư luận hiểu rằng, TPP chỉ còn là lời hứa.

 

Cái chết được báo trước?

 

Trong suốt thời gian vận động tranh cử, ông Trump là người luôn phản đối TPP. Vị tỷ phú này thậm chí còn gọi TPP là “một thảm họa tiềm ẩn” đối với nước Mỹ và rằng : “Thay vì TPP, nước Mỹ sẽ đàm phán các thỏa thuận thương mại công bằng, song phương”. Còn ứng cử viên Hilary Clinton của đảng Dân chủ cũng công khai chống TPP trong suốt cuộc đua với ông Trump. Ngay từ thời điểm đó người ta đã nghĩ tới việc đó là “cái chết” được dự báo trước của TPP.

 

Dù vẫn còn chút hy vọng mong manh về việc sau khi nhậm chức, vốn là một nhà kinh doanh ông Trump sẽ suy nghĩ lại. Nhưng rõ ràng, cả thế giới đang nghĩ tới một “cái chết lâm sàng” cho TPP. Bởi thế, các nhà kinh tế trên khắp thế giới đã nói đến chuyện 11 thành viên còn lại, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ ngồi lại với nhau để thảo luận và đàm phán lại về một TPP không có nước Mỹ. Thậm chí, thay vì Mỹ, Trung Quốc sẽ sẵn sàng “nhảy vào”.

 

Nhưng TPP mà không có Mỹ thì thật kém hấp dẫn, bởi đó là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thậm chí, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Peru mới đây còn thẳng thắn cho rằng, nếu TPP mà không có Mỹ thì “sẽ là một tổn thất lớn cho các nước thành viên còn lại”.

 

“Cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục mà không có thỏa thuận thương mại lớn này. Nhưng nếu TPP mất đi, chúng ta sẽ mất đi cái gì đó quý giá, giá trị, do tầm quan trọng về kinh tế và chiến lược của nó”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

 

Trước đó, ngay cả Thủ tướng Nhật Bản Shino Abe cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, TPP sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Mỹ. Nhật, cho đến nay, là nền kinh tế duy nhất trong số 12 thành viên của TPP đã thông qua việc gia nhập TPP. Nhưng “cái chết lâm sàng” của TPP đã khiến ông Marcel Thieliant, chuyên gia từ Capital Economics, nhận xét rằng: “Nỗ lực thông qua TPP của Nhật Bản là vô ích”.

 

Thậm chí, không chỉ các chuyên gia quốc tế mà ngay cả các chuyên gia kinh tế Việt Nam giờ đây cũng không còn lạc quan vào tương lai của TPP nữa. Trước đó, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ đã cho rằng, có thể sau bầu cử, tình hình chính trị sẽ lắng dịu, tổng thống mới có thể có lập trường khác với lúc còn là ứng viên. “Hơn nữa, với các chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, TPP vẫn có khả năng được thông qua”, ông Thành nói.

 

Nhưng câu chuyện giờ đây đã khác. Khả năng tiếp tục một TPP phiên bản gốc là rất khó. Đó thực sự là một tổn thất cho kinh tế thế giới, không chỉ bởi TPP thất bại mà còn vì bản thân Tổng thống mới đắc cử Donald Trump là người muốn hạn chế tự do mậu dịch, toàn cầu hóa. Ông Trump thậm chí đã kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ trở về nước đầu tư, kinh doanh.

 

Nếu Việt Nam không có TPP

 

Trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: dù không tham gia hoặc có tham gia TPP thì “chúng ta vẫn là một nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu rộng vào quốc tế”. Lý do là vì, Việt Nam đã có 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký. “Có tham gia cũng rất tốt, nhưng không tham gia TPP thì chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập với thế giới, đó là chương trình chúng ta đã làm trong thời gian qua”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

 

Còn ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch InvestConsult Group, khi chia sẻ với báo giới đã không ngần ngại khẳng định “không có TPP cũng không chết ai cả”.

 

Nhiều quan điểm của các chuyên gia kinh tế cũng đã nhấn mạnh, sẽ không là vấn đề đối với Việt Nam nếu TPP chết yểu, bởi suy cho cùng, TPP chỉ là một FTA và lâu nay Việt Nam vẫn “sống tốt” mà không có TPP.

 

Thậm chí, không ít chuyên gia kinh tế, trong đó có ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho rằng, việc dừng hay tạm thời dừng TPP thậm chí còn giúp Việt Nam có thêm thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập sâu rộng những năm tiếp theo. Câu chuyện nằm ở chỗ, Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2016 – 2020 mới chỉ bắt đầu được 1 năm. Trong kế hoạch này, các mục tiêu liên quan đến tăng trưởng kinh tế cũng như tăng trưởng xuất khẩu đều nhấn mạnh những cơ hội do TPP mang lại. “Một không gian kinh tế mới được mở ra”. Đó là điều đã luôn được khẳng định, cho dù không gian kinh tế mới đó không hoàn toàn mang lại chỉ từ TPP.


Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm 8% và giá trị xuất khẩu thực tế tăng 17%, năng lực sản xuất tăng thêm 12% trong vòng 20 năm tới. Những con số cho thấy những cơ hội rất lớn cho Việt Nam một khi TPP được thông qua. Thậm chí, Việt Nam còn được coi là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP.

 

“Không thể vì sự chậm trễ với TPP mà lơ là các FTA đã và sắp ký với Hàn Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á – Âu”, GS. Nguyễn Mại

 

Tóm lại, rất nhiều cơ hội và sự tin tưởng đã được đặt vào TPP. Nếu như các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đều được đặt trong bối cảnh có TPP mà giờ không còn nữa thì việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội sẽ bị ảnh hưởng.

 

Không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ hội nhập. Không có TPP, Việt Nam sẽ “không chết”. Nhưng ảnh hưởng là có thật, ít nhất hay trước tiên có thể là thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may. Bởi mấy năm qua, hàng tỷ USD đã được các nhà đầu tư đổ vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy xơ sợi, dệt nhuộm để đón đầu cơ hội do TPP mang lại. Giờ nếu TPP không còn nữa, liệu các nhà đầu tư này có rút khỏi Việt Nam hay ít nhất là trì hoãn việc triển khai các dự án này.

 

Đừng quên AEC và các cơ hội hiện hữu!

 

Đã có những thời điểm mà trên các phương tiện truyền thông, trong các cuộc hội thảo, đâu đâu cũng nói đến các cơ hội do TPP mang lại, như thể là ngay trong nay mai kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc. Tác động tích cực của TPP là điều không còn phải bàn cãi.

 

Song, trong chính thời điểm đó, khi trao đổi với phóng viên Doanh Nhân, GS-TSKH. Nguyễn Mại đã nhấn mạnh việc Việt Nam đừng quá mải mê với TPP mà quên mất các FTA khác Việt Nam đã ký kết. Bây giờ, khi số phận của TPP gần như đã được định đoạt, lại một lần nữa GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh điều này. “TPP cũng chỉ là một trong số các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký. Do vậy, không thể vì sự chậm trễ với TPP mà lơ là các FTA đã và sắp ký với Hàn Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á – Âu”, GS. Nguyễn Mại nói và cho rằng, chỉ các thị trường này thôi, nếu biết tận dụng cơ hội thì kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều cơ hội để phát triển. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều số liệu và ý kiến của các chuyên gia kinh tế cũng đã chỉ ra rằng, Việt Nam chưa tận dụng được các cơ hội do các FTA mang lại. Thậm chí, vì còn quá lơ là, chậm chuẩn bị nên chúng ta đã bắt đầu phải trả giá.

 

Một ví dụ cụ thể: theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng đầu năm 2016, trong khi ước xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng 23,9%; vào thị trường Mỹ tăng 15%; thị trường EU tăng 7,4%… thì xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN lại giảm tới 7,4% so với cùng kỳ.

 

Đáng nói hơn, trong số các thị trường trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đạt tăng trưởng xuất khẩu dương với 3 thị trường, đó là Myanmar (ước tăng 21,1%), Philippines (ước tăng 13,8%) và Thái Lan (ước tăng 11,6%). Sáu thị trường còn lại, kim ngạch xuất khẩu đều giảm. Thậm chí, xuất khẩu sang thị trường Singapore giảm tới 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

 

“Quên mất” AEC với rất nhiều cơ hội và thách thức đan xen là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bởi vậy, sau sự sụt giảm xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành chức năng làm rõ nguyên nhân vì sao. Còn GS. Nguyễn Mại thì cho rằng, ngay khi AEC hình thành, hàng Thái vốn đã nhiều tại thị trường Việt Nam càng tràn vào mạnh mẽ. “Có cảm giác như họ đã chờ sẵn ở ‘cửa biên giới’ của mình rồi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn loay hoay bàn xem cơ hội thế nào, thách thức ra sao mà không thực sự bắt tay vào ứng phó”, GS. Nguyễn Mại nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nói, ngoài TPP, chúng ta còn nhiều FTA khác. Vậy thì trước mắt, hãy cứ tập trung vào các FTA này!

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang