Ngày 24-4, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết Trung Quốc vừa điều chỉnh thuế nhập khẩu một số sản phẩm, áp dụng từ 9-4 vừa qua.
Theo đó, Trung Quốc ra thông báo điều chỉnh thuế hàng hóa nhập cảnh (thường được gọi là thuế bưu chính). Thuế bưu chính là thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc bằng hình thức xách tay hoặc ký gửi, bao gồm thuế quan, thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu và thuế tiêu dùng. Đây là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 6 tháng, Trung Quốc tiến hành giảm loại thuế này.
Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho hay, thuế bưu chính các mặt hàng thuộc nhóm 1 từ mức 15% trước đây giảm xuống mức 13%, gồm các mặt hàng: Sách báo, ấn phẩm, tư liệu video dùng trong giáo dục; các sản phẩm công nghệ thông tin như máy tính, máy quay chuyên nghiệp, máy ảnh kỹ thuật số; thực phẩm, đồ uống; vàng bạc; đồ gia dụng; đồ chơi, trò chơi điện tử hay các đồ dùng giải trí khác; dược phẩm.
Các mặt hàng nhóm 2 giảm từ mức 25% xuống còn 20%, gồm: Các mặt hàng đồ thể thao (không bao gồm bóng golf và dụng cụ chơi golf); dụng cụ câu cá; sản phẩm dệt may và các sản phẩm may mặc thành phẩm; máy quay và các thiết bị điện khác; xe đạp.
Giữ nguyên mức thuế suất 50% đối với các mặt hàng nhóm 3, gồm: Thuốc lá, rượu, trang sức đá quý, bóng golf và dụng cụ golf, đồng hồ đeo tay cao cấp, mỹ phẩm cao cấp.
Thông báo của phía Trung Quốc cho biết, việc điều chỉnh này kết hợp với các biện pháp cải cách điều chỉnh thuế VAT giúp mở rộng nhập khẩu, thúc đẩy tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao của đời sống nhân dân.
"Thuế bưu chính mặc dù chỉ là một nhóm thuế nhỏ nhưng thông qua lần điều chỉnh thuế tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng hằng ngày (thực phẩm, hàng dệt may), đối tượng hưởng lợi ngoài những người dân Trung Quốc du lịch nước ngoài còn có các doanh nghiệp thương mại quốc tế, thương mại điện tử, doanh nghiệp logistics"- Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết.
Trong bối cảnh Trung Quốc có động thái điều chỉnh giảm các loại thuế như hiện nay, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam (nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, đồ uống, dệt may…) có thể tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về các chính sách liên quan của nước bạn nhằm tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử hiện đang rất phát triển tại Trung Quốc.
Theo nld.com.vn