Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL như sau: Tại An Giang, lúa tươi IR50404 tăng 200 đ/kg, từ 4.200 đ/kg lên 4.400 đ/kg; lúa chất lượng cao OM 1490, 2514 tăng 100 đ/kg, từ 4.600 đ/kg lên 4.700 đ/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa Thu Đông (giống ngắn ngày) ổn định ở mức 4.200 – 4.300 đ/kg; lúa chất lượng cao OM 5451, OM 6976 ở mức 4.000 – 4.200 đ/kg; giá thu mua lúa mới của công ty Lương thực Bạc Liêu tăng 200 đ/kg, chủng loại OM 5451 từ 5.200 đ/kg lên 5.500 đ/kg (lúa khô); Chủng loại OM 4900 từ 5.400 đ/kg lên 5.600 đ/kg (lúa khô).
Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường giảm 200 đ/kg, từ 5.100 đ/kg xuống còn 4.900 đ/kg; lúa dài từ 5.500 đ/kg xuống còn 5.300 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa khô IR50404 ổn định ở mức 5.000 đ/kg.
Tính đến nay, xuất khẩu gạo cả nước ước đạt 4,2 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD, giảm 21% về lượng và giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 35,4% thị phần.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 1,35 triệu tấn và 613,8 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, Gana - thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 11% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 9 tháng đầu năm 2016 đạt 387,7 nghìn tấn và 189,6 triệu USD, tăng 41,8% về khối lượng và tăng 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý là thị trường Indonesia – thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 4 của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 với 8,2% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 359,4 nghìn tấn và 142,5 triệu USD, tăng gấp 21,5 lần về khối lượng và gấp 22,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015...
Nguồn Doanhnghiepvn