Hiện nay, theo số liệu khảo sát trên địa bàn tỉnh BR-VT có khoảng 140 trang trại đang hoạt động, với quy mô mỗi trang trại có đàn heo từ 400 cho đến trên 2000 con, mỗi tháng nguồn chất thải tương ứng khoảng trên 14.400 kg/tháng cho đến 72.000 kg/tháng, cho sản lượng khí biogas khoảng trên 480 m3khí/tháng/trang trại cho đến 2400 m3 khí/tháng/trang trại. Với kết cấu khép kín gồm bạt đáy và bạt nắp HDPE sẽ sử dụng triệt để nguồn chất thải trong chăn nuôi, hầm biogas đã góp phần giải quyết một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao sức khoẻ người lao động trực tiếp trong trang trại và người dân sống lân cận thông qua việc giảm mùi hôi, ô nhiễm nguồn không khí, cải tạo chuồng trại chăn nuôi. Với lượng chất thải trên, khí biogas sinh ra đủ để chạy máy phát điện khoảng trên 384 kWh/tháng cho đến 1920 kWh/tháng phục vụ nhu cầu sử dụng điện trên toàn trang trại, giúp tiết kiệm chi phí cho trang trại hàng triệu đồng.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều trang trại chưa đầu tư hệ thống hầm biogas hoặc có đầu tư nhưng không đúng mức nên không đem lại hiệu quả vì những lý do sau: Các chủ trang trại chưa nhận thức và hiểu hết những lợi ích từ việc đầu tư xây dựng hệ thống chạy máy phát điện sử dụng khí biogas; Kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cao đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực về tài chính bên cạnh đó thì áp lực về các thủ tục pháp lý liên quan đến môi trường, giấy phép xây dựng…
Nhằm hỗ trợ khuyến khích các trang trại trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 08/01/2012 về việc phê duyệt đề án xử lý chất thải chăn nuôi gia súc sản xuất khí sinh học (khí biogas) chạy máy phát điện, xử lý ô nghiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh BR-VT. Năm 2014, Trung tâm KC&TVPTCN tỉnh đã lập đề án hỗ trợ một phần kinh phí cho 02 trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát thực tế lựa chọn trang trại để hỗ trợ kinh phí thực hiện trên cơ sở phù hợp về quy mô, hiện trạng, giấy phép xây dựng, cam kết môi trường, cũng như nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống chạy máy phát điện sử dụng khí biogas của các trang trại thì chưa có trang trại chăn nuôi nào đủ điều kiện để được hỗ trợ thực hiện. Cụ thể, có trang trại đủ điều kiện tài chính, nhưng các hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ như giấy phép xây dựng, cam kết môi trường… hoặc ngược lại. Vì vậy dẫn đến phải ngừng triển khai đề án hỗ trợ.
Như vậy, để đảm bảo môi trường chăn nuôi mang tính ổn định và phát triển cần sự kiểm tra chặt chẽ về môi trường tại các trang trại trên địa bàn tỉnh của các cơ quan chức năng liên quan, tăng cường tập huấn tuyên truyền về công nghệ chạy máy phát điện sử dụng khí biogas cho các trang trại chăn nuôi, đẩy mạnh công tác quy hoạch định hướng ngành chăn nuôi. Có như vậy thì những lợi ích mang lại từ việc xây dựng hệ thống chạy máy phát điện sử dụng khí biogas sẽ góp phần giảm chi phí sử dụng năng lượng điện lưới quốc gia, nâng cao chất lượng và phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội hiện nay./.
Công Năm -TTKC