Thứ Sáu, 22/11/2024 17:45:27 GMT+7
Lượt xem: 3357

Tin đăng lúc 09-12-2016

Truy nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại: Không dễ!

Nhà nước cần tập trung quản lý chất cấm, kháng sinh, thức ăn chăn nuôi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Truy nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại: Không dễ!
Do một số khó khăn nhất định nên đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo chỉ mới thí điểm tại các kênh bán hàng hiện đại, chưa áp dụng tại các chợ Ảnh: TẤN THẠNH

Tại cuộc họp sáng 8-12, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết UBND TP đã chấp thuận kiến nghị lùi thời hạn triển khai đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo và áp dụng thí điểm trên kênh phân phối hiện đại đến ngày 16-12 thay vì từ ngày 10-12 như kế hoạch ban đầu.

 

Vướng nhiều khó khăn

 

Việc kéo dài thời gian chuẩn bị triển khai đề án là do trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, phạm vi chương trình. Cụ thể, các chủ thể tham gia chương trình không kịp trang bị máy móc thiết bị phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc; việc đăng ký sim để vận hành 131 máy đọc chuyên dụng cho lực lượng thú y TP và các tỉnh cũng gặp khó khăn bởi quy định về sim rác của nhà mạng cũng như chi phí duy trì sim.

 

Đặc biệt, qua triển khai bước đầu, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y TP và các tỉnh lân cận, số lượng đăng ký tham gia chương trình cơ bản đủ khả năng đáp ứng nguồn cung cho thị trường TP HCM. Tuy nhiên, thương lái, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ở TP HCM và các tỉnh đăng ký rất hạn chế.

 

“Đã có 60 cơ sở, doanh nghiệp với 1.000 trang trại tham gia chương trình. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ chủ yếu chăn nuôi công nghiệp nên phối hợp tham gia chương trình khá tốt. Ở khu vực miền Tây Nam Bộ, Long An là tỉnh trọng điểm của đề án vì ngoài các trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các trang trại chăn nuôi gia công cũng đã đăng ký tham gia.

 

Trong khi đó, nhiều lò giết mổ tại Long An tập trung nguồn heo chăn nuôi phân tán từ Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh… về giết mổ, đưa về TP tiêu thụ thì chưa tham gia mà đang có tâm lý chờ xem chương trình triển khai thế nào rồi mới đăng ký. Mặc dù lượng heo từ nguồn này không nhiều, không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung cho TP nhưng ban đề án sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh, đặc biệt là Long An để phối hợp thông tin rộng rãi, đầy đủ nhằm đôn đốc, vận động các đối tượng tham gia đăng ký bổ sung” - ông Hòa thông tin.

 

Mặc dù hiện đã có hơn 60% thương nhân ngành hàng thịt heo chợ đầu mối Bình Điền, 100% thương nhân ngành hàng thịt heo ở chợ Hóc Môn đăng ký tham gia nhưng theo lý giải của ban đề án, chương trình sẽ thử nghiệm ở kênh bán hàng hiện đại chứ chưa triển khai ở chợ truyền thống.

 

Trong đó, có 33 siêu thị Co.opmart, Co.opExtra và 108 cửa hàng Co.opFood; 2 siêu thị Satramart và 95 cửa hàng thực phẩm tiện lợi SatraFoods; 5 địa điểm thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagrifood), 21 siêu thị thuộc hệ thống siêu thị Big C; 2 siêu thị Auchan; 4 siêu thị Lotte Mart; 2 cửa hàng thuộc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam, 47 cửa hàng Vissan…

 

“Chúng tôi cần làm việc thêm với kênh phân phối truyền thống, làm sao cho 100% thịt heo vào chợ đầu mối phải được đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc và 100% heo ra khỏi chợ đầu mối cũng phải được niêm phong vận chuyển về chợ lẻ, tránh tình trạng pha trộn với thịt heo không được truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu là khi nào 100% thịt heo vào chợ đầu mối được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì mới triển khai chương trình nhận diện truy xuất nguồn gốc ở các chợ lẻ và triển khai theo hình thức cuốn chiếu” - ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết.

 

Khó do tâm lý chăn nuôi, tiêu dùng

 

Lý giải nguyên nhân các trại chăn nuôi, lò giết mổ, thương nhân… chưa mặn mà với chương trình, thạc sĩ Bùi Huy Bình, Giám đốc Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified), cho biết đã có nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân trong chuỗi cung ứng thịt heo chủ động liên hệ với đơn vị để tìm giải pháp thực hiện truy xuất nguồn gốc (làm dịch vụ - PV).

 

Đối với mặt hàng thịt heo, khó khăn lớn nhất là thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thích sử dụng thịt “nóng”, dùng miếng nào thì yêu cầu người bán cắt ra trong khi muốn truy xuất nguồn gốc thì thịt cần phải được đóng gói ngay tại nơi giết mổ. Hiện tại, tỉ lệ tiêu thụ thịt heo đóng gói sẵn còn ít, thuộc phân khúc cao cấp và chỉ bán được một số mặt hàng nhất định như: ba rọi, sườn, chân giò… chiếm khoảng 50% con heo. Vì vậy, dù là sản phẩm của heo được chăn nuôi theo quy trình tốt, kể cả organic thì những phụ phẩm như đầu heo, da, mỡ, xương… cũng chỉ bán được với phổ thông như heo thường. Những người tiêu thụ các loại phụ phẩm này ưu tiên số 1 là giá, không cần truy xuất nguồn gốc.

 

Để giải quyết bài toán hiệu quả kinh tế, cần sản xuất lớn, nếu hộ nhỏ cần liên kết với nhau để có thể đưa các loại thịt vụn, phụ phẩm vào chế biến và áp dụng truy xuất nguồn gốc theo lô thay vì từng lô như với thịt tươi. Thực tế, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, tỉ lệ người tiêu dùng dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc hàng hóa là không nhiều. Tuy nhiên, với DN kinh doanh thực phẩm, đây là một xu hướng nhằm giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, dễ dàng thu hồi khi hàng hóa có vấn đề, tìm ra nguyên nhân và đây cũng là cách để xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng.

 

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng quan điểm chung là người chăn nuôi ủng hộ các giải pháp giúp cho người tiêu dùng có thịt an toàn. Dù vậy, “đeo vòng cho heo” là một giải pháp mới, có phát sinh chi phí, dù là không nhiều nhưng đã gây nên tâm lý ngán ngại ban đầu cho người tham gia. Một vấn đề khác là liệu có bao nhiêu người tiêu dùng đi mua thịt heo dùng điện thoại thông minh để “soi” đường đi của miếng thịt từ trại nuôi, xe chở, nơi giết mổ,…? Vì vậy, nhà nước vẫn cần tập trung quản lý đầu vào ngành chăn nuôi từ chất cấm, kháng sinh, thức ăn chăn nuôi… Khi phát hiện vi phạm xử lý nghiêm, rút giấy phép, đốt heo… thì người ta sẽ không dám sai phạm và thị trường sẽ có thịt an toàn.

 

“Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm giải pháp khả thi để cung ứng thịt an toàn đến người tiêu dùng một cách đại trà. Tại chợ Hóc Môn (chợ đầu mối thịt heo lớn nhất TP HCM), có 38 hội viên của chúng tôi cung cấp mỗi ngày từ 3.000-4.000 con (tổng lượng thịt heo tươi sống tiêu thụ tại TP HCM khoảng 10.000 con/ngày - PV), thị phần khá lớn nhưng số lượng đầu mối không nhiều nên chúng tôi dự định sẽ họp bàn nhóm này lại để tìm giải pháp khả thi hơn” - ông Công thông tin.

 

Áp dụng tại siêu thị

 

Từ ngày 16-12, người tiêu dùng có thể mua thịt heo nằm trong đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Tất cả điểm bán này đã được sơ đồ hóa trên phần mềm truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng sau khi tải phần mềm vào smartphone có thể dễ dàng tìm kiếm điểm bán trên ứng dụng đó. Người tiêu dùng có thể kiểm tra nguồn gốc thịt bằng cách tải ứng dụng miễn phí Te-food trên www.te-food.com vào smartphone hay sử dụng máy kiểm tra đặt tại chợ.

 

Nguồn NLĐ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang