Ông Nguyễn Nguyên Phương -Trưởng Phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, sau 4 tháng triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã có 123/1.131 cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng nhận diện với tổng đàn là 251.000 con. Trong đó, 69% số heo đeo vòng do các cơ sở thực hiện, phần còn lại do thương lái thực hiện.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, bước đầu thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo có 25 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia, hiện tại chỉ có 10/25 cơ sở có kích hoạt khai báo thông tin nguồn gốc thịt heo. Sau 4 tháng, đã có 297.331 con heo được đeo vòng kích hoạt khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ và có vòng niêm phong xe chuyên chở; 146.944 con heo khi xuất ra khỏi cơ sở giết mổ không được kích hoạt cập nhật thông tin truy xuất.
Đại diện Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, trong quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo đã có xẩy ra tình trạng heo đeo vòng nhận diện nhưng mang tính đối phó, không đúng với quy trình chuẩn của đề án. Hiện tại dù các hộ chăn nuôi heo đã được thành phố hỗ trợ giảm 50% chi phí khi heo đeo vòng nhận diện, nhưng trong số heo có đeo vòng nhận diện, chỉ 45% có thông tin đầy đủ về nguồn gốc về địa điểm chăn nuôi, cơ sở giết mổ…
Tại chợ đầu mối Bình Điền có 113 tiểu thương đăng ký bán thịt heo có vòng nhận diện, bước đầu các tiêu thương thực hiện tốt quy trình nhưng hiện nay có tình trạng heo đeo vòng nhưng không có thông tin về nguồn gốc. Theo giải thích của Ban quản lý chợ Bình Điền, hiện 80% heo nhập vào chợ là từ tỉnh Long An và phần nhiều thu gom từ các hộ nuôi nhỏ lẻ. Các hộ chăn nuôi này nuôi số lượng ít, tập trung tại những khu vực wifi hay 3G không phủ sóng nên vòng nhận diện không kích hoạt….
Phó Giám đốc chợ Hóc Môn Lê Văn Tiễn cho biết, khi triển khai đề án đã có 100% heo kinh doanh tại chợ đầu mối này đeo vòng, tổng số lượng là 5.000 con/đêm. Tuy nhiên hiện nay số lượng heo về chợ tăng lên 5.500-5.700 con/đêm, trong đó 49% heo có đeo vòng nhưng số heo đeo vòng này chỉ có 20% heo đeo vòng kích hoạt được.
Trong buổi họp, Sở Công Thương báo cáo với UBND TP. Hồ Chí Minh về Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo vừa được tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo, kết quả thực hiện đề án dù chưa đạt như mong muốn song các ngành các cấp và cộng đồng doanh nghiệp phải kiên trì với chủ trương của thành phố và thực hiện một cách đồng bộ, từng đơn vị có kế hoạch lộ trình, mục tiêu cụ thể. Ông Tuyến giao Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị sơ kết 5 tháng thực hiện Đề án vào cuối tháng 5/2017; đưa Đề án vào chương trình hợp tác của thành phố với 37 tỉnh thành. Ban quan lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tham mưu cho UBND thành phố quy định áp dụng tem truy xuất nguồn gốc, nói rõ thẩm quyền, các xem xét công nhận cụ thể, không để tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí lợi dụng tem để hợp thức hóa thịt heo không rõ nguồn gốc.
“Thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo mục tiêu hướng đến tương lai, vì thực phẩm sạch vào thành phố, vì chiến lược lâu dài cho xuất khẩu. Vì thế cần tuyên truyền cho bà con nếu xác định đi theo con đường bền vững phải tuân thủ quy trình chăn nuôi sạch, không tiếp tục theo cách làm cũ” - ông Tuyến nhấn mạnh.
Tại hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố như Co.opmart, Big C, Lotte Mart thịt heo dán tem truy xuất nguồn gốc ngày càng được người tiêu dùng chọn lựa, nhờ đó sản phẩm thịt heo bán ra tăng 15-30% so với trước đây.
Ông Nguyễn Tô Kiều Trinh - Giám đốc tiếp thị Lotte Mart - cho biết, Lotte Mart là đơn vị tham gia đề án từ đầu nhưng chỉ mới triển khai ở TP. Hồ Chí Minh với tổng lượng thịt của toàn hệ thống Lotte Mart chỉ chiếm khoảng 20%/tháng. Theo ông Trinh, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo và hình thành thói quen sử dụng thực phẩm sạch, nhờ đó lượng hàng bán ra tăng dần.
Nguồn Báo Công Thương