Thứ Sáu, 22/11/2024 12:36:39 GMT+7
Lượt xem: 6330

Tin đăng lúc 28-07-2016

Truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng mã vạch: hay nhưng có khả thi ?

TP. Hồ Chí Minh vừa chính thức đưa công nghệ mã vạch để kiểm soát nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh (smartphone). Giải pháp này được các chuyên gia đánh giá là rất hay nhưng khó khả thi vì nguồn heo nuôi, giết mổ hiện nay chưa đồng bộ hóa trong chăn nuôi để có thể kiểm soát ngay từ đầu.
Truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng mã vạch: hay nhưng có khả thi ?
Chăn nuôi theo quy trình khép kín truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn của Công ty CP. Việt Nam

Công nghệ mã vạch soi nguồn gốc thịt heo do Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu. Heo khi xuất chuồng được đeo 2 vòng nhận diện có khắc mã QR, tức mã vạch hai chiều in trên dây niêm phong bằng thép. Mã vạch trên dây niêm phong chứa thông tin về nơi nuôi, khi thịt heo đến tay người mua sẽ mang đầy đủ thông tin từ trại nuôi, kết quả kiểm dịch… qua con tem điện tử lên sản phẩm, khách hàng chỉ việc kiểm tra nguồn gốc thịt heo bằng ứng dụng TE-FOOD qua smartphone.

 

Đại diện Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh đánh giá, vòng nhận diện và con tem dán trên thịt heo không thể cấp trùng hay giả mạo, chi phí 9.800 đồng cho một con heo và sẽ được áp dụng tại chợ Bình Điền, Hóc Môn và 5 chợ lẻ ( Bến Thành, Hòa Bình, Bàu Cát, Thái Bình, An Đông).

 

Ông Phạm Thành Kiên- Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh –cho biết, truy suất nguồn gốc thịt heo bằng mã vạch không bắt buộc, chủ yếu vận động các thành viên trong chuỗi cung ứng thịt heo tham gia nhằm kiểm soát chất lượng thực phẩm. Hiện đã có 12 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia và sẽ được chính quyền thành phố hỗ trợ ban đầu để xây dựng hệ thống thiết bị, sắp tới nhiều lò giết mổ, thương lái của một số địa phương cũng sẽ tham gia chương trình này trong nay mai.

 

 

Giết mổ heo công nghiệp như của Công ty Vissan dễ áp dụng mã vạch để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại 

 

Dùng điện thoại kiểm tra nguồn thịt heo là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn khi hoạt động chăn nuôi, giết mổ, lưu thông, chứa trữ hiện nay chưa đồng bộ. Cụ thể, hiện mới có 10 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện tham gia chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm của TP.Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn kiểm soát từ trang trại đến bàn ăn, mỗi ngày cung cấp khoảng 915 con heo, 24.350 con gà thịt và 1,1 triệu trứng gà.

 

Trong khi TP.Hồ Chí Minh mỗi ngày hiện tiêu thụ khoảng 10.000 con heo nhưng 80% phải nhập từ các tỉnh, riêng nguồn heo giết mổ chỉ kiểm soát được khoảng 7.000 con/đêm. Ông Huỳnh Tấn Phát - Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y TP.Hồ Chí Minh - cho biết, tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng giao dịch từ 4.300-4.500 lượt, chợ đầu mối Bình Điền là 2.300-2.400 lượt. Thời gian giao dịch chủ yếu từ 0 giờ đến 6 giờ sáng, do vậy tiểu thương không dễ thực hiện các thao tác nhập dữ liệu.

 

Tiến sĩ Kiều Minh Lực- Giám đốc Trung tâm truyền giống Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam - đánh giá, đây là một giải pháp quản lý rất tiến bộ đối với sản phẩm thịt heo mà người tiêu dùng đang mong đợi. Trong điều kiện hiện tại, giải pháp này là hoàn hảo đối với chuỗi giá trị thịt heo từ trang trại đến người tiêu dùng do một DN thực hiện, vì đương nhiên là DN đó phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về sản phẩm thịt heo của mình. Nhưng trong trường hợp chuỗi giá trị thịt heo bị cắt khúc với sự tham gia của nhiều DN thì tính pháp lý khi truy xuất nguồn gốc về trách nhiệm của từng DN trong chuỗi giá trị cần phải được tính đến.

 

Ông Bạch Đăng Quang - Giám đốc Hợp tác xã Tân Hiệp (chủ nhà máy giết mổ heo công nghiệp tại huyện Hóc Môn sẽ áp dụng mã vạch soi nguồn thịt heo)- nhìn nhận, truy xuất nguồn gốc thịt heo để phân biệt thịt sạch với thịt bẩn là rất cần thiết. Tuy nhiên để công nghệ này phát huy tác dụng thì phải gắn với quy hoạch giết mổ công nghiệp vì thực trạng chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo như hiện nay thì khó đạt được kết quả cao.

 

Theo ông Quang, khâu chăn nuôi phải đạt chuẩn trang trại VietGap, nhà máy giết mổ phải đạt chuẩn HACCP, thịt heo phải được đóng gói ngay tại nhà máy sau khi giết mổ thì mới bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc. Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười cho rằng, vấn đề sản xuất và kiểm soát thịt heo sạch định hướng và phát triển khâu giết mổ công nghiệp tập trung hiện nay là bức thiết. Trách nhiệm truy xuất nguồn gốc thịt heo phải giao cho DN, người tiêu dùng chỉ kiểm tra chất lượng khi có sự hoài nghi về sản phẩm.

 

Theo Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang