Đối với ngành Dầu khí Việt Nam, 65 năm trước, vào ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Cộng hòa XHCN Xô - Viết (Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới khu công nghiệp dầu khí Ba-cu (Cộng hòa XHCH Xô - Viết Azerbaijan), tại đây Bác đề nghị:“Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh …”. Với dự cảm thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành Công nghiệp dầu khí hiện đại để góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Tầm nhìn xa, trông rộng và mong ước của Người đã trở thành khát vọng, niềm tin và mục tiêu phấn đấu của bao thế hệ những “người đi tìm lửa”. Ý nguyện đó là kim chỉ nam xuyên suốt trong chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và được thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của nhân dân; từ ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Dầu khí Việt Nam đã đi từ “không đến có”; làm chủ được những công nghệ tiên tiến nhất, xây dựng thành công chuỗi giá trị khép kín từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến tàng trữ, vận chuyển và chế biến, đóng góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bác Hồ thăm khu công nghiệp Dầu khí Bacu năm 1959
Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự hội tụ sức mạnh dân tộc để "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”. Với tâm thế thời đại trong Văn kiện Đại hội XIII, quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng khi khẳng định: “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Từ đây, văn hóa Việt Nam được đặt trong tâm thế và yêu cầu mới, là hạt nhân trung tâm gắn kết trăm triệu trái tim người Việt, tạo nên sức mạnh nền, động lực phát triển của dân tộc. Chính từ mục tiêu đó mà Đảng ta đã xác định những tư tưởng chỉ đạo và định hướng phát triển văn hóa ở tầm cao mới.
Hòa cùng khí thế của đất nước trở mình trỗi dậy, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang thúc đẩy triển khai, nâng tầm văn hóa doanh nghiệp, các hoạt động được đầu tư, tổ chức bài bản trên cả nước, phù hợp với từng vùng miền và từng đơn vị. Để có được kết quả bước đầu như ngày hôm nay, mặc dù phải trải qua những giai đoạn thăng trầm; song, Petrovietnam đã kiên trì, bền bỉ xây dựng văn hóa doanh nghiệp với sự nỗ lực không biết mệt mỏi và dày công vun đắp của cả hệ thống chính trị.
Ra đời từ Đoàn thăm dò dầu lửa 36 (ngày 27/11/1961). Trải qua hơn 62 năm xây dựng và trưởng thành, cốt cách và bản sắc riêng biệt của người lao động Dầu khí dần được kết tinh cùng năm tháng đã tạo nên truyền thống văn hóa của “Những người đi tìm lửa” và hình thành nên bản sắc của văn hoá Dầu khí; được người Dầu khí luôn trân trọng, gìn giữ và phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước năm 2008, việc định hình giá trị cốt lõi của Văn hoá Dầu khí chưa bài bản, chưa xác lập và ban hành các văn bản triển khai có tính hệ thống.
Tái tạo văn hóa đi trước, định hướng tạo đà cho tái tạo kinh doanh
Con tàu lớn vươn ra đại dương không tránh khỏi những cơn bão lớn. Đòi hỏi những người thủy thủ phải bản lĩnh vững vàng, sáng tạo, tìm ra lối đi riêng để vượt bão. Nếu được ví con tàu đó mang tên Petrovietnam thì một trong những giải pháp đột phá của những người thủy thủ chèo lái con tàu Dầu khí ấy, đó là “Tái tạo văn hóa Petrovietnam”.
Năm 2017, trên hải trình của mình, con tàu Petrovietnam trước một cơn “siêu bão”. Được dự báo, đến năm 2019, Petrovietnam sẽ bị mất cân đối dòng tiền, lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo, chấn chỉnh và giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của các cấp trên, Petrovietnam đã thực hiện công cuộc cải tổ toàn diện. Bên cạnh việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, đã ưu tiên thực hiện việc“Tái tạo Văn hóa Petrovietnam”. Đây là bước đột phá đầy sáng tạo được Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn đưa ra và triển khai quyết liệt ngay sau cuộc đại khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử Tập đoàn. Quá trình tái tạo văn hóa Petrovietnam chính là sự tìm lại và phục dựng những giá trị truyền thống tốt đẹp, sàng lọc và loại bỏ những yếu tố tiêu cực, bồi đắp và phát triển những giá trị mới.
Tìm ra được ánh sáng của ngọn hải đăng, đòi hỏi những người thủy thủ phải quyết tâm đi theo chỉ dẫn. Ngày 15/5/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 281-NQ/ĐU về “Công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp” (Nghị quyết). Đây là Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn được xây dựng công phu, chi tiết, chặt chẽ, có tính thực tiễn cao. Sau khi Nghị quyết được ban hành, công tác triển khai, quán triệt thực hiện hết sức trách nhiệm, nghiêm túc, những giải pháp mà Nghị quyết 281 chỉ ra đã khắc phục được hầu hết những tồn tại, hạn chế trong triển khai xây dựng VHDN thời gian trước đây.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 281, công tác xây dựng văn hoá Petrovietnam đã thay đổi tích cực và có chuyển biến rõ nét
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 281, công tác xây dựng văn hoá Petrovietnam đã thay đổi tích cực và có chuyển biến rõ nét; Petrovietnam đã hoàn thiện hệ thống giá trị văn hóa, định hình các tài sản văn hóa gồm: Sổ tay văn hóa Petrovietnam với hệ giá trị cốt lõi mang đặc trưng của người Dầu khí; Lược sử ngành Dầu khí Việt Nam; các thiết chế văn hóa phục vụ giáo dục lịch sử truyền thống ngành dầu khí được đưa vào hoạt động; hệ thống nhận diện thương hiệu mang khát vọng vươn lên của Petrovietnam trong thời kỳ mới; 05 ấn phẩm được ra mắt, 02 ca khúc sáng tác mới, 20 tập phim ký sự cùng các chương trình nghệ thuật là những chương trình, tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc sống, lao động gian nan thử thách, nhưng cũng đầy tự hào, thể hiện những giá trị văn hóa dầu khí đã thấm sâu trong mọi hoạt động tạo lập thói quen, hành vi ứng xử văn hoá trong cán bộ, nhân viên, người lao động, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ SXKD của Tập đoàn. Ý thức của CBNV, người lao động và chất lượng trong các hoạt động tập thể được nâng cao hơn trước thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác trong công việc, hỗ trợ cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ; vai trò của các đoàn thể đã thể hiện rõ nét trong các hoạt động. Tinh thần đoàn kết, phối hợp giữa các ban/văn phòng, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được nâng cao.
Công tác đào tạo, tập huấn và hỗ trợ các đơn vị xây dựng, triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam được liên tục nâng cao. Hệ thống các công cụ ngày càng hoàn thiện (với hàng loạt các ấn phẩm/sổ tay, ứng dụng AI) giúp công tác tìm kiếm, tra cứu, kiểm tra, giám sát được thực hiện đồng bộ, chính xác.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam trao cho đại diện UBMTTQ tỉnh Trà Vinh biểu trưng tặng 20 tỷ đồng xây dựng 400 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh
Từ khi triển khai, thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đã giúp Tập đoàn đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, bứt phá. Văn hóa doanh nghiệp đã góp phần xứng đáng giúp Tập đoàn vững vàng vượt qua “khủng hoảng kép” năm 2020, phục hồi tăng trưởng năm 2021 và làm nên những kỷ lục trong các hoạt động SXKD năm 2022. Đặc biệt, năm 2023 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, cụ thể hóa giá trị cốt lõi trong Văn hóa Dầu khí, Tập đoàn vẫn đặt “khát vọng” tăng trưởng cao. Đây là một thách thức, áp lực rất lớn. Và để hiện thực hóa khát vọng này, một trong những giải pháp được ban lãnh đạo Tập đoàn đề ra là tái tạo văn hóa đi trước, định hướng tạo đà cho tái tạo kinh doanh. Nhờ đó, năm 2023, tổng doanh thu toàn Petrovietnam lập kỷ lục mới trong lịch sử hình thành và phát triển, đạt 942,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,2% GDP cả nước), tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục đã xác lập vào năm 2022; tổng nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn chiếm tỷ trọng 9,4% tổng thu ngân sách nhà nước; thu nhập bình quân người lao động tăng 34,8% so với năm 2019; năm thứ 15 liên tiếp Petrovietnam góp mặt trong Top 3 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; dành 750 tỷ đồng thực hiện an sinh xã hội trên mọi miền Tổ quốc.
Petrovietnam cũng đã về đích trước 2 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ Tập đoàn nhiệm kỳ 2020 -2025 và vượt kế hoạch 5 năm 2021- 2026 về lợi nhuận (12%), nộp ngân sách Nhà nước (13%), tăng trưởng rất cao so với giai đoạn (2016- 2020); quy mô doanh thu năm 2023 tăng 1,6 lần so với năm 2020. Đến nay tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn là 42,5 tỷ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất là 22,3 tỷ USD. Xây dựng hệ sinh thái dầu khí hoàn chỉnh từ Tìm kiếm thăm dò - Khai thác dầu khí, công nghiệp Khí, công nghiệp Điện và Năng lượng tái tạo, Chế biến dầu khí đến Dịch vụ Dầu khí kỹ thuật cao. Những kết quả này giúp Tập đoàn củng cố niềm tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và người lao động Dầu khí về vị trí, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam, công tác truyền thông, hoạt động xã hội trong toàn Tập đoàn được thực hiện song hành gắn với các mục tiêu kế hoạch SXKD và Chiến lược phát triển của Tập đoàn, trở thành bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của Petrovietnam, khẳng định giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”. Chỉ tính trong 5 năm vừa qua, Tập đoàn đã hỗ trợ các tổ chức, địa phương trong cả nước với tổng kinh phí 2.919,2 tỷ đồng (trong đó hỗ trợ: xây dựng được 3.373 nhà đại đoàn kết, nhà cho người nghèo với kinh phí 205,246 tỷ; chương trình giáo dục, đào tạo: 968,2 tỷ; chương trình y tế: 217,9 tỷ; các tổ chức, quỹ hội: 441,3 tỷ và các công tác khác 243,9 tỷ; phòng chống dịch và hỗ trợ học sinh học trực tuyến: 842,6 tỷ); có 03 công trình, cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, 03 công trình được trao Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng giải thưởng của cả nước); 7 công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đoạt giải VIFOTEC; tổ chức trồng được 615.135 cây xanh trên 23 tỉnh/thành trong cả nước lan toả thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” của Thủ tướng Chính phủ; người lao động trong toàn Tập đoàn đã hiến tặng 18.457 đơn vị máu. Các hoạt động văn hóa đặc trưng của người lao động Dầu khí liên tục được làm mới tạo môi trường làm việc lành mạnh, sinh động hơn, tăng tính gắn kết, chia sẻ giữa CBNV, góp phần tuyên truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa Petrovietnam, làm nổi bật hình ảnh người lao động Dầu khí thân thiện, tin cậy với xã hội.
Chuỗi sự kiện hiến máu "Nhiệt huyết người Dầu khí" góp phần tuyên truyền, lan tỏa các giá trị văn hóa Petrovietnam
Nhờ làm tốt công tác truyền thông, xây dựng VHDN và các hoạt động xã hội, Tập đoàn tiếp tục duy trì là một trong những thương hiệu có giá trị cao nhất ở Việt Nam, đạt xấp xỉ 1,4 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019. Với những nỗ lực đã thực hiện, trong lần xét công nhận đầu tiên, căn cứ bộ tiêu chí của Hiệp hội phát triển văn hoá Việt Nam xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tập đoàn đã được tôn vinh là 1 trong số 10 "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" năm 2021; tiếp nối kết quả đạt được trong năm 2022, 2023 đã có 11 đơn vị trong Tập đoàn tiếp tục đạt chuẩn văn hóa kinh doanh (chiếm tỷ lệ 25% tổng số doanh nghiệp được công nhận trên cả nước); với 12 đơn vị đạt chuẩn, Petrovietnam đã hoàn thành gấp đôi chỉ tiêu theo Nghị quyết 06 của Đảng ủy Khối và về đích trước 2 năm chỉ tiêu đề ra theo Kế hoạch của Đảng ủy Tập đoàn trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi tưởng nhớ đến Người, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Trong đó, mỗi người lao động Dầu khí lại càng ý thức và tự hào rằng: Thương hiệu Tập đoàn gắn với thương hiệu quốc gia, lợi ích của Tập đoàn là lợi ích của đất nước. Vậy nên trong bất luận hoàn cảnh nào, tất cả đều không ngừng nỗ lực phấn đấu, lao động và sáng tạo xứng đáng với mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với cốt cách, bề dày văn hóa, người Dầu khí sẽ luôn phát huy tiềm năng nội lực với tình thần quyết tâm cao nhất xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành Tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực, xứng đáng với sự kỳ vọng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã trao cho các thế hệ người lao động Dầu khí.
Phan Linh - Tuấn Dũng