Cách đây mấy năm, các ngành, các tổ chức, các địa phương ồ ạt mở trường đại học và cao đẳng. Ngành nào “xin” cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền “cho”, tổ chức nào “xin” cũng “cho”, địa phương nào “xin” cũng “cho”, để đến bây giờ nhiều trường không đủ chỉ tiêu tuyển sinh và gần 20 vạn sinh viên đã ra trường mấy năm vẫn không “xin” được việc làm. Càng “thông thoáng” cơ chế “xin - cho” bao nhiêu, thì kỹ sư, cử nhân, kể cả thạc sĩ… khi ra trường lại khó “xin” việc làm bấy nhiêu. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Với quy mô đào tạo đại học hiện nay, một năm có khoảng 400.000 lao động qua đào tạo đại học và trên đại học, nhưng chúng ta thường xuyên duy trì khoảng 170.000, hoặc hơn một chút lao động nhóm này không có việc làm thì đây là điều “đáng suy nghĩ”.
Ngày 19/11, Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (mọi người thường gọi tắt là trường King Công) đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, Dược học.
Trước sự bức xúc của dư luận, ngày 2/12, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế về việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y, dược.
Theo nội dung công văn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT kiểm tra việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành GD&ĐT - Y tế tổ chức trước khi Bộ GD&ĐT quyết định cho phép trường mở ngành). “Bộ GD & ĐT chỉ cho phép Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được tuyển sinh đào tạo Y đa khoa, Dược học khi trường đã đáp ứng đầy đủ điều kiện”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Phó Thủ tướng, đào tạo và cho phép mở ngành đào tạo nhân lực ngành Y tế nói chung, Bác sĩ đa khoa, Dược sĩ nói riêng cần đặt chất lượng đào tạo là tiêu chí hàng đầu. Vì thế Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cần thống nhất ban hành văn bản quy định tiêu chí, điều kiện mở ngành, tuyển sinh đào tạo Y khoa, Dược học phù hợp với đặc thù và đảm bảo yêu cầu chất lượng nhân lực ngành Y tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu 2 Bộ đánh giá thực trạng đào tạo Y khoa, Dược học, trước hết tổ chức khảo sát, đánh giá tại các trường đại học đa ngành, có phương án cần thiết để đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra.
GS. Nguyễn Quang Cường, Thứ trưởng phụ trách Đào tạo của Bộ Y tế cũng yêu cầu là Bộ Y tế phải được biết nội hàm của 2 ngành học này.
GS Phạm Gia Khải - Ban Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, cho rằng: “Đặt vấn đề thẩm định sau khi các bộ hữu quan đã ký kết với nhau, và chính Bộ Y tế cũng chưa biết nội hàm cụ thể của Ban Y và Dược này, có thể ví như ta đã quyết định làm một việc sau đó mới xem xét việc có nên làm hay không. Nếu kết quả không tốt thì ai là người chịu trách nhiệm? Chắc chắn là người dân phải chịu trận rồi, nghĩa là sức khỏe của dân được làm thí nghiệm cho một thí điểm”.
Một trường chỉ chuyên về kinh tế và công nghệ nay lại “lấn sân” sang ngành y, dược liệu có phù hợp hay không? Hơn nữa, đây là một trường khó tuyển sinh đầu vào và chất lượng chỉ ở mức trung bình. Tất nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt.
Những năm gần đây ngành Y, Dược là “cái phao” cứu sinh của nhiều trường tư. Hàng loạt trường ngoài công lập rơi vào cảnh lao đao vì tuyển sinh không được, trong khi các ngành kỹ thuật ngày càng ít người học thì nhóm ngành y, dược, điều dưỡng lại thu hút người học, nên mất cân đối giữa chỉ tiêu các ngành đào tạo tại nhiều trường ngoài công lập. Chẳng hạn, Trường Đại học Tân Tạo (Long An) đào tạo 10 ngành, nhưng chỉ có ngành Y là tuyển sinh được. Hiện số sinh viên của Trường là 500 người, thì 2/3 số đó là y khoa. Tương tự, sinh viên các ngành dược, điều dưỡng ở các trường như ĐH Công nghệ miền Đông, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Nguyễn Tất Thành… cũng chiếm tỷ lệ khá áp đảo so với những ngành còn lại. Trong năm 2014, Trường CĐ Bách Việt tuyển gần 1.200 sinh viên nhưng trong đó gần 500 sinh viên cho 2 ngành dược và điều dưỡng. Còn Trường CĐ ASEAN trong năm 2013 với quy mô là 3.313 học sinh, sinh viên nhưng ngành dược có đến 3.288 học sinh, sinh viên. Điều đáng nói là nhiều đại học dân lập đào tạo ngành y, dược có mức chuẩn đầu vào thấp, chỉ bằng hoặc hơn điểm sàn. Năm 2015, Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) lấy 15 điểm vào ngành Dược học, 20 điểm cho Y đa khoa. Năm trước, điểm trúng tuyển vào hai ngành này của trường chỉ lần lượt là 14 và 18. Đại học Lạc Hồng (TP HCM) có điểm trúng tuyển ngành Dược học (dược sĩ đại học) năm 2015 là 15; Đại học Đại Nam (Hà Nội) lấy 17 điểm vào khối Y dược... Điểm trúng tuyển vào ngành Dược học, Điều dưỡng của nhiều trường tư khác chỉ ở mức sàn, thậm chí thấp hơn sàn như Đại học Nam Cần Thơ lấy 14 điểm... Trong khi đó, điểm chuẩn của các cơ sở đào tạo Y Dược công lập uy tín như Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP HCM... nhiều năm nay luôn ở tốp đầu cả nước. Năm 2015, Đại học Y Dược TP HCM lấy chuẩn đầu vào ngành Y đa khoa cao nhất cả nước với 28 điểm; ngành Dược là 26. Đại học Y Hà Nội lấy 27,75 điểm vào Y đa khoa. Các đại học Y Thái Bình, Y Hải Phòng có chuẩn đầu vào cho 2 ngành Y đa khoa lần lượt là 26 và 25,5; ngành Dược học lần lượt là 25,5 và 25.
Trong buổi họp báo ngày 28/11, người đứng đầu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ - ông Trần Phương cho rằng, cả nước hiện nay đang rất thiếu bác sĩ, dược sĩ, nguồn nhân lực có chất lương cao. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Sái, nguyên Phó Hiệu trưởng, phụ trách đào tạo - Trường Đại học Y Thái Bình: “Theo số liệu thống kê tại các hội thảo khoa học gần đây mà tôi được biết thì đội ngũ y, bác sĩ hiện nay đang dư thừa. Nhiều sinh viên ngành Y sau khi ra trường cũng không xin được việc làm. Vì thế Bộ GD &ĐT cần phải thận trọng, xem xét và cân nhắc, không nên để các trường ồ ạt xin mở ngành, mở lớp. Chúng ta phải siết chặt quản lý thì mới hi vọng có được những bác sĩ ra trường đạt chất lượng cao được” và theo khảo sát của các trường ngoài công lập có đào tạo ngành y, dược trên địa bàn TP.HCM vài năm gần đây, thì có khoảng 40 - 50% học sinh tốt nghiệp không xin được việc làm, hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo. Trong buổi chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội gần đây, một đại biểu đặt câu hỏi “Liệu nước ta hiện nay đang có tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hay không”? Người đứng đầu Bộ GD &ĐT trả lời, ý nói rằng: Chúng ta chỉ thừa thầy (chỉ những người có trình độ đại học và trên đại học) không làm được việc, chuyên môn kém và thiếu ý thức trách nhiệm… Có thể ông Bộ trưởng nói đúng. Nhưng trong vấn đề này, lỗi tại ai? Phải chăng Bộ GD &ĐT không chịu trách nhiệm phần nào?
Trở lại quan điểm nói về nhu cầu bác sĩ, dược sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao đang cần, thì liệu Trường Kinh Công và các trường dân lập đào tạo ngành y, dược liệu có cho “ra lò” được những bác sĩ, dược sĩ, nguồn nhân lực có chất lượng cao hay không, trong khi đây là những trường khó tuyển sinh và điểm đầu vào chỉ ở mức trung bình, nếu không muốn nói là thấp; đội ngũ giáo viên chủ yếu là thỉnh giảng, hoặc hợp đồng với những người về hưu; cơ sở thí nghiệm và bệnh viện thực tập còn thiếu.
Với tình trạng này, nay mai Trường Đại học Y khoa Hà Nội chắc sẽ mở thêm khoa “chế tạo máy” và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ mở thêm khoa “ Văn, Sử, Địa”, đây là thực hiện “xã hội hóa giáo dục” chứ không phải “ thương mại hóa giáo dục”!
Tú Da