Thứ Hai, 25/11/2024 16:03:00 GMT+7
Lượt xem: 3270

Tin đăng lúc 14-04-2017

Tương lai nào cho xuất khẩu gạo của Việt Nam?

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2016 giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua. Thống kê từ năm 2009 đến nay, chưa năm nào xuất khẩu gạo của VN lại giảm mạnh như hiện nay. Hiện, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra và lượng gạo tồn kho khá lớn. Lần đầu tiên trong vòng tám năm qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu xuống còn 5,7 triệu tấn, tức giảm khoảng 800.000 tấn so với kế hoạch.
Tương lai nào cho xuất khẩu gạo của Việt Nam?

Đâu là nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị? Bất ổn trong hoạt động xuất khẩu gạo nằm ở khâu nào? Tương lai cho xuất khẩu gạo sẽ ra sao? Cuộc truyện trò giữa Phóng viên Anh Tú với PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại sẽ giúp chúng ta hiểu về vấn đề này.

         

PV: Thưa ông, là chuyên gia thương mại, nghiên cứu sâu về thị trường, ông có cảm nghĩ gì khi năm nay xuất khẩu gạo của nước ta giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị so với cả giai đoạn gần 10 năm qua?

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Đúng là tình hình này đáng lo ngại, do nhiều nguyên nhân, trước hết là khách hàng lớn của chúng ta là thị trường Trung Quốc chiếm tới 35-36% tổng lượng xuất khẩu. Họ đang siết chặt hạn ngạch nhập khẩu, đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ. Thứ hai là, những thị trường nhập khẩu lớn khác như Philippines, Malaysia, Bờ biển Ngà họ không ký hợp đồng mới, chủ yếu thực hiện hợp đồng 2015. Thứ ba là, đối thủ cạnh tranh của chúng ta là Ấn Độ hoạt động rất linh hoạt, mạnh mẽ, họ đưa ra những gạo có giá rẻ. Thái Lan đưa hàng hóa phù hợp với thị trường châu Phi. Campuchia, Myanmar đều là những đối thủ mới cạnh tranh rất mạnh với chúng ta. Vì vậy, thị phần xuất khẩu gạo của chúng ta bị thu hẹp. Mặt khác, trên thị trường giữa đồng EU và USD, Nhân dân tệ với đồng Việt Nam cũng bất lợi cho việc xuất khẩu gạo. Trong khi đó, nhiều quy định của chúng ta lại tự trói mình. Trên thực tế là hiện nay chúng ta đang thừa gạo có chất lượng thấp, thiếu gạo có chất lượng cao để xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

         

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới hệ quả này? Nhu cầu thị trường thế giới giảm hay sức cạnh tranh của gạo Việt Nam đang bị đuối dần?

         

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Đúng như thế, vì chúng ta theo đuổi chiến lược phát triển lượng, không chú ý nhiều về chất lượng, dẫn tới tình trạng cung những mặt hàng gạo có chất lượng thấp, lớn hơn cầu. Chúng ta theo đuổi xuất khẩu một cách vô danh, gạo 5% tấm, 25% tấm. Nếu đi theo hướng này thì sức cạnh tranh sẽ đuối dần và càng ngày càng khó khăn.

         

PV: Có ý kiến cho rằng, xuất khẩu gạo bất cập ngay từ cách quản lý: Mặc dù chúng ta có Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo với mục đích thu hẹp đầu mối xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đưa ra quy định về giá sàn, nhưng tình trạng tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá nông dân, hạ giá để xuất khẩu... vẫn xảy ra. Ông bình luận gì về câu chuyện này?

         

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Nghị định 109 có tính chất “dẹp loạn”, thu hẹp đầu mối, có tác dụng lịch sử, nhưng nay không còn tác dụng tích cực nữa. Ví dụ, muốn trở thành đơn vị xuất khẩu gạo là phải có kho chứa 5.000 tấn/năm trở lên, nhà máy xay xát phải 10 tấn/ngày trở lên, lượng xuất khẩu phải trên 20.000 tấn/năm…, tất cả quy định chỉ thiên về lượng và chỉ phục vụ “ông lớn”, loại những doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động linh hoạt ra khỏi cuộc chơi, thủ tiêu cạnh tranh, không theo cơ chế thị trường, trong đó còn có quy định ép doanh nghiệp phải làm từ A đến Z trong sản xuất và xuất khẩu gạo. Theo tôi cách làm đó là lạc hậu rồi, người ta đang tập trung vào chuỗi giá trị sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, ta lựa chọn khâu nào có lợi thế nhất, thế mạnh nhất để tham gia. Nghị định này làm phân tán nguồn lực, không phát huy được sức mạnh nổi trội của các đơn vị tham gia, trái với quy định toàn cầu, hội nhập quốc tế hiện nay.

         

PV: Theo ông, hai Tổng công ty lương thực lớn là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã làm được vai trò dẫn dắt trong hoạt động xuất khẩu gạo chưa?

 

         

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Đây là hai “ông lớn” trong sản xuất kinh doanh, xuất khẩu gạo của chúng ta, họ có bề dày hoạt động trong lĩnh vực này, họ có quy mô, “quyền lực” cũng rất lớn… Đáng tiếc là họ rất lớn nhưng vai trò dẫn dắt thị trường lại chưa làm được, vì họ có hoạt động theo cơ chế thị trường đâu, mà chủ yếu xuất khẩu khối lượng lớn, được hưởng ưu đãi do chính sách ưu đãi của Nhà nước. Bao nhiêu ưu đãi của Nhà nước thì chủ yếu hai Tổng công ty này thụ hưởng thôi, khi mà có hợp đồng lớn thì họ lại có quyền hành phân chia ai được tham gia, ai không được tham gia. Trên thực tế, họ không hoạt động theo cơ chế thị trường, nên không thể nào dẫn dắt thị trường. Thậm chí, có những doanh nghiệp như ở Đồng Tháp chẳng hạn, họ có thương hiệu gạo tốt, đưa được vào hệ thống phân phối của các nước sở tại nhưng họ lại không có chức năng xuất khẩu, cuối cùng phải ủy thác cho đơn vị khác xuất khẩu, mất chi phí đến 2 USD/tấn…, chi phí đó là bất hợp lý. Chuyện “xin-cho”, thủ tục hành chính trong thị trường xuất khẩu gạo này rất nặng nề, có lợi cho “ông lớn” loại trừ doanh nghiệp nhỏ ra ngoài.

 

PV: Vậy tương lai cho xuất khẩu gạo, riêng về cơ chế điều hành, nên được hoạch định lại như thế nào, thưa ông?

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Chúng tôi cho rằng, đây là câu hỏi lớn, gần đây Bộ Công Thương cũng đã tổ chức hội thảo ở các vùng miền để tập hợp các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà nông nghiệp để trả lời câu hỏi này. Theo chúng tôi, phải làm thế nào để đưa sản xuất gạo của chúng ta lên sản xuất lớn, như hiện giờ thì manh mún. Chúng ta có chủ trương cánh đồng mẫu lớn nhưng vấp phải cơ chế tích tụ ruộng đất đang bị vướng. Chúng ta lại vấp phải cơ chế quy hoạch thương nhân tham gia thị trường xuất khẩu gạo. Chính phủ đã có chỉ thị cho hai bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phải xem xét lại, quy định đó hiện còn phù hợp không để có đề xuất lên Chính phủ quyết định. Và chúng ta từ trước đến nay lại chê thương lái, nhưng thực ra thương lái họ hiểu thị trường gạo hơn hai Tổng công ty lớn. Hai Tổng công ty bán cái gì mà họ có, còn thương lái họ bán cái mà thị trường cần, đây là thực tế mà chúng ta phải xem xét lại.

 

PV: Theo ông, có nên xây dựng những doanh nghiệp xuất khẩu đủ mạnh, có vai trò dẫn dắt thị trường và làm thế nào tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp?

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng Tập đoàn lớn, Tổng công ty lớn, nhưng chúng ta có được là nhờ mệnh lệnh hành chính, nếu cứ làm như vậy chúng ta sẽ thất bại. Cho nên rất cần doanh nghiệp mạnh nhưng doanh nghiệp đó phải lớn lên, trưởng thành từ cơ chế thị trường, đối mặt với sức ép cạnh tranh và họ là hạt nhân để sản xuất, phối hợp với nông dân để có được cơ chế phù hợp để có lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp và nông dân.

 

PV: Ông đánh giá như thế nào về mối liên kết giữa các bên trong xuất khẩu gạo thời gian qua?

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Thời gian vừa qua, việc lựa chọn giống, xây dựng thương hiệu quốc gia, lựa chọn thị trường…chúng ta không có sự liên kết với nhau. Giữa các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông… chưa ngồi được với nhau, chưa có tiếng nói chung, đây là nhược điểm lớn. Thời gian tới cần điều chỉnh việc này. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, các ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương nghiên cứu về vấn đề này. Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu đang tổ chức hội nghị ở các miền khác nhau để tập hợp ý kiến các nhà khoa học, các nhà kinh tế góp ý cho vấn đề này. Có trường hợp như Giáo sư Võ Tòng Xuân đã cùng với doanh nghiệp, địa phương, đi ra ngoài thế giới, thậm chí sang cả Campuchia là thị trường mới thành công về xuất khẩu gạo để học tập cách họ xây dựng thương hiệu để áp dụng với chúng ta.

 

PV: Vậy ông nhận định như thế nào về diễn biến thị trường xuất khẩu gạo trong năm tới và khuyến nghị gì đối với các doanh nghiệp?

 

PGS.TS Phạm Tất Thắng: Chúng tôi nghĩ rằng, nếu như chúng ta không có tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo, thì sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải đi theo mấy hướng: Không bỏ xuất khẩu gạo theo giá thấp vì nhu cầu này vẫn có như ở châu Phi, Philipines,… chúng ta không đi thiên về hướng này quá nhiều như thời gian vừa qua nữa. Không loay hoay tìm một giống gạo để ban cho nó là thương hiệu quốc gia vì nó không thể mang lại, gánh trên mình sức nặng đó. Ở Thái Lan, người ta có 5-6 giống lúa khác nhau. Chúng ta có nhiều loại giống lúa tốt như Tám Hải Hậu, Thơm Chị Đào, Tám Điện Biên…, chúng ta phải có 5-6 hay 7 giống lúa khác nhau để phù hợp với nhu cầu thị trường. Như Lào, họ đưa gạo vào được thị trường Nhật, chúng ta chưa làm được, trong khi chúng ta có Hiệp định Thương mại với Nhật nhưng không vào được. Chúng ta có khu vực thị trường theo đạo Hồi, họ ăn cơm bốc tay, cần phải có giống gạo mềm nhưng không dính tay. Chúng ta cần phải có một số giống lúa đáp ứng yêu cầu, nhóm tiêu dùng khác nhau, sản xuất theo nhu cầu người tiêu dùng, không phải phát triển với những thứ giống sẵn có như thời gian vừa qua.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

 

Anh Tú (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang