Thu hút nhiều nhà đầu tư lớn
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 206 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 32.204 tỷ đồng. So với cả giai đoạn từ 2006-2020, thu hút đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn 2016-2020 chiếm trên 60% số lượng dự án và vốn đầu tư đăng ký chiếm trên 64%.
“Hiện nhiều nhà đầu tư lớn đã đến Tuyên Quang hợp tác, đầu tư các dự án về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị, như: Tập đoàn Vingroup, FLC, Sungroup… trong đó, nhiều dự án đã được hoàn thành, đưa vào hoạt động như: Khách sạn Mường Thanh; Trung tâm thương mại Vincom Shophouse; Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa; Cụm công nghiệp chế biến gỗ Woodsland; Nhà máy xi măng Tân Quang; Nhà máy đường Sơn Dương; Nhà máy đường Tuyên Quang…” – ông Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.
Bên cạnh sự quan tâm của các tập đoàn lớn trong nước, theo ông Nguyễn Văn Sơn, thời gian gần đây rất nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và một số tổ chức quốc tế khác đã quan tâm, hỗ trợ nhiều chương trình, dự án tại Tuyên Quang. Đây là động lực để tỉnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội (KTXH), phục vụ phát triển.
Cải thiện môi trường đầu tư, phát huy thế mạnh
Được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhờ có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa. Hiện tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa như: Cây chè, cây lạc, cam sành Hàm Yên, rừng sản xuất, độ che phủ rừng đạt 64%... Đó là những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông-lâm nghiệp cũng như công nghiệp chế biến nông, lâm sản tại địa phương phát triển.
Tuyên Quang có nhiều sông, suối lớn, nhiều tài nguyên khoáng sản, tạo ra tiềm năng phát triển vận tải đường thủy và thủy điện, công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
“Đặc biệt, địa phương có tiềm năng du lịch dồi dào bới 3 loại hình: Du lịch lịch sử-văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Tỉnh có hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Là một tỉnh có 22 dân tộc cùng sinh sống, đã tạo nên một Tuyên Quang lung linh sắc màu với những lễ hội, những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc...” – ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Tuyên Quang đã tập trung hoàn thành các quy hoạch; triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Cụ thể, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh, tổ chức Chương trình “Cà phê doanh nhân” hàng tháng để nắm bắt thông tin, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, về thuế, đất đai, giải quyết những khiếu nại của công dân và cộng đồng doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo lao động; quản lý đất đai; rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ những văn bản có nội dung mâu thuẫn, không phù hợp… nhằm rút ngắn quy trình sử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang: Nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, tỉnh Tuyên Quang trân trọng mời gọi các nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương. Theo đó, Tuyên Quang cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện chương trình, dự án đạt hiệu quả cao nhất. |
Theo Congthuong