Tuyên Quang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng nơi đây trở thành một trong những “hạt nhân” phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc. Để thu hút các nhà đầu tư, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận tiện, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cam kết thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại và nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2017 vào Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Tôi hoan nghênh các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư tên tuổi trong nước và quốc tế có nhiều tiềm năng tài chính, kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương Tuyên Quang và vì lợi ích của đơn vị mình đã lên đây, nơi Thủ đô kháng chiến, để tham gia làm ăn, đầu tư”.
Đột phá trong kinh tế du lịch
Tuyên Quang đã xác định phát triển kinh tế du lịch là một trong 4 lĩnh vực đột phá của tỉnh. Năm 2010, lượng khách du lịch đến Tuyên Quang mới chỉ đạt mức hơn 500.000 lượt, đến năm 2016 đã đạt hơn 1,4 triệu lượt. Những tháng đầu tiên của năm 2017 đã có hơn 400.000 lượt khách đến với Tuyên Quang.
Trong 15 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư năm 2017 mới đây, một số chính sách thu hút đầu tư đột phá được tỉnh đưa ra như: miễn tiền thuê đất; miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo…
Hiện nay toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang và quy hoạch tổng thể 3 khu du lịch: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang... Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tập trung đẩy mạnh kinh tế phát triển; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, các nhân được hỗ trợ kinh phí trong triển khai một số nội dung thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch…
Tuyên Quang cũng đã bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch của riêng mình như: “Lễ hội thành Tuyên” diễn ra vào Trung thu hàng năm; Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La tôn vinh những giá trị văn hóa của nhân dân thành phố Tuyên Quang, đặc biệt là “Tín ngưỡng thờ Mẫu thoải - Mẹ Nước” và được tổ chức nhân dịp “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại...
Ở góc độ nhà đầu tư, bước đầu, một số nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang... Bởi thay vì tổ chức các hoạt động xúc tiến, vận động DN bằng hình thức kêu gọi đầu tư chung chung, tỉnh đã tập trung vào việc vận động các nhà đầu tư lớn, có uy tín năng lực thật sự và có thương hiệu trong nước đầu tư vào những dự án trọng điểm... Đặc biệt, trong số 15 dự án trọng điểm mà Tuyên Quang kêu gọi đầu tư lần này có nhiều dự án về phát triển du lịch. Trong đó có dự án xây dựng khu đô thị nghỉ dưỡng Sông Lô…
Ưu tiên phát triển bền vững
Trong thời gian qua, Tuyên Quang đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các nguồn lực xã hội và nguồn lực từ nhân dân để đầu tư phát triển. Với chủ trương đúng, giải pháp sáng tạo và cơ chế chính sách phù hợp, tỉnh đã huy động các nguồn lực, toàn tỉnh đã bê tông hóa trên 2.700 km đường giao thông nông thôn. Tổng số tiền đầu tư thực hiện Đề án trên 1.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 52%, hiến gần 42.000 m2đất, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 48%... Hệ thống giao thông được hoàn thiện đến tất cả các thôn bản đã tạo động lực cho tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi. Đặc biệt, Tuyên Quang cũng đã đầu tư xây dựng 3 cầu lớn vượt sông Lô và sông Gâm, gồm: Cầu Kim Xuyên (Sơn Dương), cầu Tứ Quận (Yên Sơn), cầu Ba Đạo (Nà Hang), hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân hàng năm đạt 25%. Một số dự án quan trọng đã đi vào hoạt động ổn định, như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa công suất 130.000 tấn bột giấy/năm, Nhà máy Đường Tuyên Quang xây dựng tại Hàm Yên công suất 2.000 tấn mía cây/ngày... Tuyên Quang cũng đã, đang thực hiện 17 dự án ODA với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng với nhiều dự án triển khai hiệu quả như: Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa khu vực Trung Sơn; Dự án xây dựng đường giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc...
Đặc biệt, tỉnh xác định con người là khâu “then chốt” của mọi sự phát triển, tỉnh đã kiện toàn hệ thống giáo dục từ mầm non tới đại học. Ngày 14/8/2013, Trường Đại học Tân Trào được thành lập, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh. Hệ thống giáo dục - đào tạo không ngừng được hoàn thiện từ bậc mầm non đến đại học là điều kiện quan trọng để Tuyên Quang nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì thế, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 27%, phần nào đã đáp ứng được yêu cầu ngày một khắt khe của các nhà đầu tư.
Chú trọng hỗ trợ DN
Những năm qua, Tuyên Quang đã có cách tiếp cận tích cực đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua cải thiện chỉ số PCI. Đặc biệt, Tuyên Quang có chủ trương giao cho các hiệp hội DN tham gia các cuộc khảo sát, điều tra lấy ý kiến DN, về chất lượng thực hiện công vụ của các cơ quan chính quyền...
Thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN của Chính phủ, các cấp chính quyền Tuyên Quang đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ DN trên địa bàn, đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng DN địa phương. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 36/KH-UBND ngày 27-4-2015 để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2015-2016. UBND tỉnh cũng đã có Chương trình hành động số 06/CT-UBND phân công chức năng nhiệm vụ cho các cấp, các ngành một cách rõ ràng và có tiến độ cụ thể cho việc triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP...
Các cơ quan chức năng cũng đặc biệt quan tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại trên tất cả các lĩnh vực. Cùng với đó từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư và DN. Các thủ tục hành chính được công khai và được hướng dẫn rõ ràng trên các trang thông tin điện tử của tỉnh.
Đặc biệt, lãnh đạo địa phương luôn chú trọng việc tổ chức gặp gỡ đối thoại với DN, nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc của các DN, nhà đầu tư để giải quyết kịp thời, triệt để. Những hành động cụ thể này đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của từng công chức: Kiến tạo, hành động, phục vụ DN và người dân.
Nguồn Enternews