Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế- xã hội (KT-XH) của huyện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn do đặc điểm địa hình miền núi, giao thông đi lại khó khăn dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư, phân bón tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân; công tác chăn nuôi chưa tập trung, hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thủy lợi, thủy nông gặp khó khăn do ý thức người dân trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đặc biệt là trình độ sản xuất của người dân còn thấp, thiếu kiến thức khoa học; các cơ sở sản xuất thì hoạt động cầm chừng; hoạt động thương mại và dịch vụ đa phần là tự phát, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nguồn vốn đầu tư của tỉnh phục vụ cho các chương trình dự án của huyện còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển KT-XH; cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng bộ;...
Trước thực trạng trên, Huyện ủy, HĐND và UBND huyện Tuần Giáo đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên các lĩnh vực để khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu KT – XH đã đề ra.
Đồng chí Lò Văn Hoàn Phó bí thư - Chủ tịch UBND Huyện Tuần Giáo
Trước hết, huyện ưu tiên tập trung cho lĩnh vực chủ đạo là sản xuất nông, lâm nghiệp. Một trong những điểm nổi bật nhất của huyện chính là tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi những giống mới cho năng suất, chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ kịp thời và xây dựng các mô hình trồng trọt, thủy sản. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 271 nông dân về kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại trên cây lúa; Phối hợp với Trung tâm Khoa học sản xuất Lâm nghiệp vùng Tây Bắc thực hiện dự án “Nông lâm kết hợp cho sinh kế của nông hộ nhỏ khu vực Tây Bắc VN” tại xã Quài Nưa, Tỏa Tình; Triển khai mô hình trồng thử nghiệm lúa nước giống TBR225; Phối hợp với Công ty SyngenTa mở 6 lớp tập huấn kỹ thuật trồng ngô,; xây dựng mô hình nuôi gà an toàn sinh học... Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phun tiêu độc, khử trùng phòng chống cúm gia cầm, tiêm vacxin phòng dịch cho đàn gia súc ở cơ sở, kịp thời ngăn chặn được các ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường lực lượng xuống từng xã, bản nắm bắt thông tin, thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, triển khai thực hiện công tác phát triển rừng như: Trồng rừng, thực hiện giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình.
Ngoài ra, công tác đầu tư xây dựng cũng được huyện chú trọng triển khai đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng, các công trình từng bước được nâng cấp và xây dựng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Sản xuất công nghiệp được quan tâm, trong đó, phối hợp với Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công & Phát triển công nghiệp tỉnh tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện cho một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng như: sản xuất gạch không nung; duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, các ngành tiểu thủ công nghiệp như: xay xát, dệt vải, công cụ cầm tay... Song song với đó, huyện còn tập trung triển khai có hiệu quả các biện pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong kinh doanh hàng hóa. Tổ chức tuyên truyền, hưởng ứng các cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, nhằm đảm bảo và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng cao.
Một điểm nổi bật nữa của huyện Tuần Giáo chính là công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được ưu tiên và quan tâm. Năm 2014, thực hiện Quyết định 102/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, huyện đã hỗ trợ trực tiếp cho 7.341 hộ nghèo ở vùng khó khăn với mức kinh phí 3,6 tỷ đồng. Mở các lớp dạy nghề như: Kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho cá; kỹ thuật trồng, quản lý dịch hại cây cao su; kỹ thuật trồng và khai thác rừng... dành cho đối tượng là lao động nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, nhằm tạo việc làm và ngăn chặn tệ nạn xã hội. Cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi..., huyện cũng lồng ghép các chương trình định canh, định cư để từ đó người dân có đời sống ổn định lâu dài và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp từ đầu năm học cũng được đẩy mạnh, đồng thời tiếp tục củng cố hoàn thiện hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học..., qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Duy trì thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số - KHHGĐ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS và vệ sinh môi trường nông thôn. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Tổ chức các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện, giải quyết công việc kịp thời và đúng luật định, tránh gây khó khăn, bức xúc cho người dân, dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp... Ngoài ra, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao cũng được duy trì thường xuyên; công tác xây dựng đời sống văn hóa và phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Đặc biệt, huyện rất chú trọng đến công tác bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ, nhằm kiện toàn bộ máy, phát huy tối đa trí tuệ, năng lực của CBCCVC, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế; văn hóa – xã hội; an ninh quốc phòng... đã đề ra.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, nên KT-XH trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực và đúng hướng. Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch (KH). Năm 2014, tổng sản lượng lương thực có hạt là 35.388,3 tấn, đạt 104% KH. Tổng đàn gia súc là 80.580 con, đạt 101,4% KH. Diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có 211,3 ha, sản lượng ước 207,1 tấn, đạt 100% KH. Triển khai trồng mới được 114,4 ha rừng phòng hộ, rừng thay thế và trồng trên 1 triệu cây phân tán. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện là 202.451 triệu đồng, tăng 27,9% so với năm 2013; xây dựng cơ bản đạt 91,7% KH. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 579.217 triệu đồng, tăng 29,5% so với năm 2013. Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 120 hộ kinh doanh, tổng mức vốn 27.000 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững.
Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp, tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ, nhằm tích cực thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực vào phát triển ổn định kinh tế xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng. Gắn phát triển kinh tế với chăm lo phát triển các mặt xã hội; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển kinh tế luôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng; phòng chống thiên tai có hiệu quả, ổn định dân cư gắn liền với phát triển sản xuất, đời sống ở địa bàn các xã, thị trấn trong huyện, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững KT-XH địa phương./.
PV