Nhiều nước ưa chuộng
Tại hội thảo quốc gia về ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong quá trình giao thương hàng hóa nông nghiệp giữa các nước rất dễ có sinh vật ngoại lai xâm hại, nếu không được quản lý tốt sẽ trở thành mối nguy hiểm lớn đối với đa dạng sinh học, gây thiệt hại về kinh tế đối với nền sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Để ngăn chặn hoặc diệt trừ triệt để các loại sinh vật lạ xâm nhập, các chương trình kiểm soát đối với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật từ nước này sang nước khác ngày càng được chú trọng và phát triển.
Trong đó, công nghệ chiếu xạ đã được xem như biện pháp hiệu quả trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dịch bệnh nguồn gốc thực phẩm. So với một số phương pháp kiểm dịch truyền thống khác như xử lý hơi nước nóng, nhiệt, hóa chất, chiếu xạ có thể được thực hiện với sản phẩm đã đóng gói, trên quy mô lớn và không để lại bất kỳ dư lượng độc hại nào.
Do đó, hiện nay chiếu xạ nông sản, thực phẩm đã được ứng dụng rộng rãi ở trên 60 quốc gia trên thế giới. Thậm chí, một số quốc gia phát triển như Mỹ, Australia, Chile, New Zealand, Canada… xem đây là biện pháp kiểm dịch bắt buộc đối với nông sản nhập khẩu.
Tăng cường năng lực chiếu xạ
Tại Việt Nam, xử lý chiếu xạ đã và đang từng bước được sử dụng như một biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật các đối tượng dịch hại mang lại hiệu quả cao, ít gây ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã của mặt hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam đã ứng dụng thành công trong xử lý chiếu xạ trước khi xuất khẩu trái cây tươi nhãn, vải đến một số thị trường như Mỹ, Australia.
Tuy nhiên, việc ứng dụng chiếu xạ nông sản tại Việt Nam hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là thiếu các đơn vị chiếu xạ đã đủ điều kiện và được cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có hai đơn vị chiếu xạ ở miền Nam và một ở miền Bắc đủ điều kiện chiếu xạ nông sản. Bên cạnh đó, chưa có các nghiên cứu đồng bộ về việc xử lý chiếu xạ trên mỗi mặt hàng nông sản của Việt Nam, chưa có nghiên cứu và ứng dụng công nghệ triệt sản cá thể ruồi đục quả đực…
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt Nam rất lớn. Ước tính, diện tích đất trồng cây ăn quả của Việt Nam khoảng 775.500 ha với sản lượng gần 3,9 triệu tấn/năm, dự kiến được nâng lên 11,3 triệu tấn vào năm 2020 và 17,7 triệu tấn vào năm 2030. Trong những năm tới, Bộ NN&PTNT định hướng sẽ phát triển 12 mặt hàng trái cây chủ lực bao gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa… phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó một số nước có yêu cầu kiểm dịch thực vật khắt khe. Vì vậy, theo tiến sĩ Trần Minh Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cần mở rộng hoạt động dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm chiếu xạ, trước mắt tập trung tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị để cung cấp dịch vụ chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng nông sản cho người dân.
Tiến sĩ Trần Minh Quỳnh - Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội: Công nghệ chiếu xạ được kỳ vọng phát triển mạnh trong thời gian tới để thay thế cho biện pháp xử lý hóa học trong kiểm dịch và bảo quản nông sản, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. |
Nguồn Báo Công Thương điện tử