Những năm gần đây, Hà Nội liên tiếp được bình chọn là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Song, có một chỉ số đáng chú ý, Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng (đạt hơn 90%) - một con số rất ý nghĩa về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội, đến nay thành phố đã hoàn thành việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến 10 sở, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, Hà Nội đã tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến do các bộ chuyên ngành triển khai cho thành phố. Đến hết năm 2017, thành phố đã cung cấp hơn 600 dịch vụ công mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 32%).
Để việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, thành phố tiếp tục đầu tư hạ tầng mạng lưới, trong đó có việc thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu chính, kết nối mạng diện rộng tới các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Hà Nội đã đầu tư mạnh cho mua sắm thiết bị công nghệ thông tin để hỗ trợ triển khai dịch vụ tới người dân.
Sở TT-TT được giao chủ trì đầu mối đào tạo gần 9.000 học viên về chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, an toàn thông tin, chính phủ điện tử, phần mềm ứng dụng dùng chung và đào tạo chuyên sâu về phần cứng máy tính.
Tại các cuộc họp về ứng dụng công nghệ thông tin, lãnh đạo UBND thành phố đã nhiều lần yêu cầu các sở, ngành, địa phương cùng có giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch dịch vụ công qua mạng. Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đưa việc giới thiệu dịch vụ công trực tuyến của thành phố vào nội dung giảng dạy cho học sinh THCS, qua đó các em có thể hướng dẫn bố mẹ, ông bà sử dụng. Tại bộ phận một cửa các phường, xã, thị trấn, cán bộ một cửa trực tiếp hướng dẫn các thao tác cho người dân để tạo thói quen sử dụng dịch vụ công trên máy tính...
Hà Nội tiếp tục việc hoàn thành triển khai hệ thống một cửa dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; duy trì, mở rộng các trang, cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung. Đặc biệt, đã hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức 3 và mức 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Đáng chú ý, TP Hà Nội cũng ưu tiên đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực thiết yếu để phục vụ người dân. Trong số này phải kể đến ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking). Cụ thể, từ tháng 6-2017 thí điểm tại 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe.
Từ tháng 9-2017, tiếp tục triển khai Iparking tại 4 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa), gồm các điểm trông giữ phương tiện phục vụ không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Năm 2018, thành phố cho phép các quận, huyện, thị xã nghiên cứu phương án mở rộng Iparking đối với trông giữ xe máy.
Ngoài ra, các ứng dụng về cảnh báo môi trường triển khai qua Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội (hanoi.gov.vn) rất đáng được ghi nhận. Cụ thể là cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí (tại 10 điểm trên địa bàn), hệ thống quan trắc chất lượng nước hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập. Hệ thống thông tin trong các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, y tế cũng đang được triển khai đồng bộ; cuối năm 2017, đầu năm 2018, các ngành tiếp tục triển khai hệ thống thông tin về quản lý đất đai; đầu tư, tài chính; du lịch...
Như vậy, với phương châm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng công nghệ thông tin, Hà Nội đã, đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn. Thành phố cũng đang phối hợp với các đối tác để triển khai các thành phần xây dựng thành phố thông minh với mục đích cuối cùng là để người dân hài lòng với cuộc sống.
Nguồn Hà Nội mới