Thay đổi lối sống
“Mẹ ơi, hôm nay ăn gì?”, con trai 8 tuổi của chị Thu Vân (nhà ở quận Bình Thạnh, TPHCM) nhắn hỏi khi chị đang ở công ty và bận rộn với công việc cần hoàn thành gấp. “Để mẹ đặt đồ ăn, mẹ nhiều việc quá!”, chị Thu Vân hồi âm con và nhanh chóng đặt đồ ăn cho cả nhà cũng như trái cây tươi tráng miệng, sữa qua chiếc điện thoại thông minh… Thực tế, ứng dụng trên di động đã thay đổi lối sống của rất nhiều người, mang lại nhiều tiện dụng cho người dùng, nhất là những gia đình tất bật với công việc ở các đô thị lớn.
Theo nhận định của ông April Tayson, Phó Chủ tịch Công ty Adjust (chuyên về đo lường ứng dụng di động), thì năm 2022 sẽ là một năm tăng trưởng bùng nổ các ứng dụng di động.
Cụ thể, số lượt cài đặt vào năm 2020 tăng 29% so với cùng kỳ năm 2019, và đã tăng thêm 18% vào năm 2021. Trong đó, ứng dụng nhận được nhiều quan tâm hiện nay liên quan đến đặt thức ăn. Số lượt cài đặt ứng dụng giao đồ ăn trên toàn cầu tăng 56% vào năm 2020, tăng thêm 2% vào năm 2021 và dịp tết vừa qua. Các ứng dụng liên quan đến tài chính số cũng phát triển không kém. Báo cáo xu hướng ứng dụng di động 2021 khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) nêu: “Số lượt cài đặt tại APAC trong năm 2020 đạt mức tăng 31% trên tất cả ngành so với cùng kỳ năm trước và đang tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2021 ở mức 4%”.
Với sự phát triển các ứng dụng tài chính số, các ví điện tử…, người dùng dễ dàng thực hiện các giao dịch, thanh toán trên di động của mình. Tuy nhiên, người dùng cũng sẵn sàng từ bỏ ngay ứng dụng “kém” để tìm đến ứng dụng “thông minh” hơn, thể hiện rõ qua các ứng dụng của ngân hàng, ví điện tử... Điều này phần nào đó cho thấy các ứng dụng trên di động còn phải cạnh tranh quyết liệt hơn để thu hút cũng như giữ được khách hàng lâu dài. Chính sự cạnh tranh này cũng góp phần kích thích sự lớn mạnh của các ứng dụng liên quan đến tài chính số.
Báo cáo APAC cũng cho thấy, số phiên truy cập vào ứng dụng có bước nhảy vọt khi tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, phần lớn là do người dùng sử dụng di động nhiều hơn. Tính đến nửa đầu năm 2021, Singapore và Việt Nam có mức tăng trưởng số lượt cài đặt ấn tượng, lần lượt là 49% và 43%, so với mức 2% và 27% vào năm 2020.
Dư địa phát triển mạnh
Báo cáo ứng dụng di động 2021 của Công ty Appota cũng cho thấy, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ đã tạo nên cú hích rất mạnh cho các ứng dụng trên di động. Điều đặc biệt là với sự xuất hiện dày đặc của các ứng dụng đặt đồ ăn trên điện thoại thông minh đã khiến cách sử dụng dịch vụ này có sự thay đổi. Theo khảo sát, tỷ lệ đặt đồ ăn qua ứng dụng di động bên thứ 3 đã đạt 82% so với năm 2018 chỉ là 58%, hình thức gọi điện trực tiếp để đặt hàng đã không còn phổ biến khi sụt giảm từ 71% xuống 23%.
Khi các ứng dụng di động phát triển, thói quen thanh toán không tiền mặt càng đi sâu vào đời sống tiêu dùng. Các nhà phân tích đưa ra dự báo, đến năm 2023 sẽ chỉ còn 15% các giao dịch thương mại điện tử thanh toán bằng tiền mặt. Thay vào đó, việc chuyển khoản ngân hàng và thanh toán qua thẻ sẽ là 2 hình thức phổ biến nhất. Ví điện tử cũng sẽ là một phương án phổ biến với tỷ lệ 22%.
Hiện Việt Nam nằm trong tốp 12 quốc gia có giá cước internet rẻ nhất trên toàn cầu, khoảng 11,27 USD/tháng. Cước dễ tiếp cận khiến cho internet được phủ sóng rộng rãi trên toàn quốc, đặc biệt là internet di động.
Theo anh Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc điều hành của một công ty chuyên về tiếp thị trực tuyến, điện thoại thông minh đang được ưu tiên làm thiết bị kết nối chính nhờ sự tiện lợi, sự phổ biến và hạ tầng, chất lượng internet tại Việt Nam phát triển đã khiến tốc độ internet di động được cải thiện đáng kể, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á… Đây cũng là nền tảng để ứng dụng di động phát triển mạnh.
Nhận định trên có cơ sở vì Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, tương đương với tỷ lệ người sử dụng internet. Trong số này có 64% thuê bao đã kết nối 3G, 4G và 95% thiết bị sử dụng internet. Còn theo số liệu thống kê của Bộ TT-TT, số thuê bao điện thoại di động của Việt Nam đạt trên 123 triệu, trong đó số thuê bao điện thoại thông minh đạt 90,3 triệu (chiếm 73,4% số thuê bao điện thoại di động); số người sử dụng điện thoại thông minh từ 15 tuổi trở lên đạt 53,5 triệu… nên ứng dụng trên điện thoại đang và sẽ tiếp tục “sống tốt” và có dư địa phát triển mạnh trên nền hạ tầng viễn thông và những điện thoại thông minh ngày càng được ưa chuộng trong nhiều năm tới.
* Ông NGÔ TRẦN VŨ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn: Thiết bị di động có rất nhiều thông tin cá nhân, tài khoản email và cả giao dịch tài chính. Vì vậy, bảo mật thiết bị di động ngay từ khi cài đặt lần đầu tiên là yêu cầu bắt buộc. Nhiệm vụ của ứng dụng bảo mật là quét các ứng dụng ngay từ khi cài đặt và đảm bảo ứng dụng không có hoạt động chạy ngầm hoặc ăn cắp thông tin của người dùng. Một số ứng dụng khai thác dữ liệu người dùng kiểu tải về từng phần cũng là đối tượng mà phần mềm bảo mật di động có thể phát hiện và cảnh báo với người dùng thiết bị. Nếu cài ứng dụng vào thiết bị thì cần phải xem kỹ các yêu cầu quyền riêng tư của ứng dụng. Một số ứng dụng đòi quyền xem danh bạ, kho ảnh, âm thanh, video…, người sử dụng cần phải lưu ý và nên hạn chế các yêu cầu này để bảo vệ quyền riêng tư của mình. |
Theo Sggp.org.vn