Thứ Hai, 25/11/2024 07:15:37 GMT+7
Lượt xem: 1443

Tin đăng lúc 01-05-2020

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ môi trường: Yếu tố tiên quyết cho một tương lai xanh

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến là chìa khóa quan trọng để xây dựng một tương lai xanh. Thời gian qua, nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của Hà Nội đã được triển khai và áp dụng, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ môi trường: Yếu tố tiên quyết cho một tương lai xanh

Thân thiện với môi trường, an toàn cho cuộc sống

 

Túi ni lông và rác thải nhựa đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Theo các chuyên gia, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy.

 

Nhiều loại túi ni lông được làm từ dầu mỏ nguyên chất, khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch. Để khắc phục và giải quyết vấn nạn trên, đòi hỏi cần có một công nghệ xử lý, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, song song với đó là nghiên cứu cải tiến vật liệu nhựa theo hướng sản xuất nhựa phân hủy sinh học.

 

Từ nhu cầu đó, nhóm các nhà khoa học của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất túi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải” do Tiến sĩ Nguyễn Trung Đức làm chủ nhiệm.

 

Tại Việt Nam, dù có nhiều loại sản phẩm từ nhựa, nhất là túi ni lông được công bố là phân hủy sinh học, nhưng thực chất chỉ là quá trình bẻ gãy sinh học. Hậu quả là để lại trong đất, nước những mảnh vụn của ni lông, gây ô nhiễm đất, nước, nhất là cản trở vi sinh vật phát triển, làm cho đất nhanh chóng bạc màu, không tơi xốp.

 

Nhóm nghiên cứu đã khắc phục những nhược điểm trên, tiếp cận theo hướng phân hủy sinh học, để sản phẩm khi thải ra môi trường không gây tác hại. Sau hai năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã sản xuất được ba loại túi rác tự hủy dùng cho các mục đích khác nhau. Đặc biệt, túi không phân hủy thành những mảnh nhỏ như các loại túi nhựa khác, mà chuyển hóa thành nước và khí CO2, dễ dàng thẩm thấu dưới đất, đem lại dinh dưỡng cho cây trồng.

 

Sản phẩm này đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận thân thiện môi trường. Hiện nay, công nghệ đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung (Hà Nội) để sản xuất với công suất 30kg/giờ. Sản phẩm được các hệ thống siêu thị lớn đặt hàng.

 

Không chỉ túi ni lông tự hủy sinh học, trong những năm qua, thành phố Hà Nội cũng ghi nhận rất nhiều những công trình, đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, đã được chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn, đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên các lĩnh vực, nhất là an toàn môi trường.

 

Một trong những “phát minh” nổi bật là hạt polyme siêu hấp thụ nước AMS-1. "Hạt nước" này có khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, cải tạo đất giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất tăng, không gây độc hại và an toàn với môi trường. Hiện sản phẩm AMS-1 đang được Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung sản xuất.

 

Gần đây nhất, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiệm thu dự án “Nghiên cứu xử lý vi khuẩn, nấm mốc trong môi trường không khí bằng ozone ứng dụng tại cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Bệnh viện Đa khoa Hà Đông thực hiện. Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, đề tài này đáp ứng nhu cầu trong nước, có hiệu quả kinh tế và rất có ý nghĩa về môi trường.

 

Vì một tương lai xanh

 

Môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng một tương lai xanh. Hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 5 nhóm công nghệ ưu tiên trong định hướng phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020. Do vậy, Hà Nội luôn quan tâm ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ trong lĩnh vực môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

 

Để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể, như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ... Ngoài ra, thành phố đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

 

Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, giải quyết các thách thức nghiêm trọng về môi trường đòi hỏi những ý tưởng mới và tư duy sáng tạo. Năm nay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đưa ra chủ đề cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4: “Đổi mới sáng tạo - vì một tương lai xanh” với mong muốn nhấn mạnh sự đóng góp của hệ thống sở hữu trí tuệ trong việc kích thích sáng tạo, phổ biến và ứng dụng công nghệ sạch, thiết kế xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu sinh thái… giúp “xanh hóa” cuộc sống.

 

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4, ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng các công nghệ mới để bảo vệ môi trường, góp phần tạo một môi trường xanh, sạch, đẹp và bền vững cho tương lai.

 

Theo Báo Hà Nội Mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang