Chủ Nhật, 03/11/2024 19:45:41 GMT+7
Lượt xem: 4134

Tin đăng lúc 28-09-2016

Ứng phó với thảm họa sinh thái biển

Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại một số tỉnh miền trung đã xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa Hà Tĩnh)gây ra. Sự cố đặt ra đòi hỏi, bên cạnh việc đưa ra các giải pháp phục hồi môi trường biển, trong thời gian tới Việt Nam cần tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường biển; tăng cường thanh tra,kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào nước ta.
Ứng phó với thảm họa sinh thái biển
Ảnh minh họa

Kết quả khảo sát của các nhà khoa học cho thấy, sau một tháng xảy ra sự cố, nhiều tập đoàn san hô mới chết, hoặc nhiều nơi tỷ lệ san hô còn sống dưới 10%; thậm chí không bắt gặp bất kỳ con cá nào thuộc họ cá Bống trắng (loài cá sống ở môi trường sạch) ở khu vực biển bị ô nhiễm. Ngoài ra, nền đáy khu vực biển ô nhiễm còn bị bao phủ bởi lớp bùn mỏng mầu vàng cho tới nâu vàng, nước biển bị vẩn đục nhiều. Trong khi đó, kết quả quan trắc ở một số điểm không bắt gặp bất kỳ con cá nào, cho nên phải mất hàng chục năm sau, môi trường biển cũng chưa chắc khôi phục được như trước.

 

Theo kinh nghiệm của nhiều nước, một trong những giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường được triển khai, đó là cho phép người dân được quyền tham gia vào vấn đề kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm đủ rõ ràng để quy trách nhiệm cụ thể đối với từng đối tượng. Bên cạnh giải pháp kinh tế thông qua việc phạt tiền trực tiếp đối với đối tượng gây ô nhiễm, việc xử lý nước thải được khuyến cáo thực hiện một cách triệt để hơn thông qua đầu tư công nghệ tiên tiến có khả năng xử lý được 95% phốt-pho và 90% ni-tơ. Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ có chi phí khá đắt đỏ cho nên không phải nước nào cũng có điều kiện áp dụng được…

 

Vì vậy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sau sự cố môi trường do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra, cũng như giảm dần và ứng phó kịp thời các thảm họa sinh thái biển có thể xảy ra trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện văn bản, chính sách liên quan đến tác động, phòng ngừa và giảm dần thảm họa sinh thái biển. Đồng thời, gia tăng các hoạt động nghiên cứu, chương trình khoa học liên quan đến hiện tượng cá chết đột ngột và hàng loạt. Từng bước giảm dần, giới hạn, kiểm soát chặt chẽ chất thải, nước thải chảy vào ven biển và bên trong các thủy vực nhằm hạn chế sự ô nhiễm nước; tiến hành các biện pháp kiểm tra, kiểm soát không chỉ đối với các nguồn thải, đầu vào của các hóa chất, độc chất mà còn kiểm soát quản lý việc thoát nước đổ vào đại dương. Bản đồ hóa các khu vực có nguy cơ xuất hiện thảm họa sinh thái; nghiên cứu đặc tính sinh lý, sinh thái sinh vật biển trong các thảm họa môi trường cũng như các kiến thức liên đới trong biển và đại dương. Xây dựng cơ chế, kịch bản xảy ra để có thể giúp các nhà khoa học tính toán các mô hình ngăn ngừa mang ý nghĩa sinh thái học và giảm được đáng kể những thiệt hại về kinh tế liên quan như đánh bắt - nuôi trồng thủy, hải sản, bảo tồn biển, du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường hoạt động giám sát quan trắc chất lượng nước thường xuyên và liên tục; cải thiện việc theo dõi chất lượng nước trên quy mô quốc gia theo từng tháng, năm để giám sát bệnh tật đối với hiện tượng nở hoa của các loài tảo độc hại trong nước. Triển khai, áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và rừng ngập mặn. Điển hình như Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện phục hồi tái tạo được rạn san hô mới tại các khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và Cù Lao Chàm.

 

Đáng chú ý, Việt Nam cần áp dụng và nhân rộng mô hình khu bảo tồn biển, nhằm quản lý rạn san hô có sự tham gia của cộng đồng. Thông qua mô hình này, người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc khai thác và bảo tồn hệ sinh thái biển; thực hiện quản lý biển qua việc cấm khai thác, ngừng đánh bắt cá, qua đó phục hồi được các rạn san hô, nguồn lợi hải sản có giá trị để bảo vệ môi trường biển… Đây được coi là một trong những giải pháp cần được đưa vào áp dụng tại các tỉnh miền trung thời gian tới, nhằm khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển.

 

Nguồn Báo Nhân Dân điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang