Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp CNHT như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển CNHT; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 ban hành năm 2017; Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT năm 2020... Các chính sách này thực sự đã đem lại những hiệu quả lớn cho các doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua việc các sản phẩm CNHT của nước ta đã dần tham gia được vào các chuỗi cung ứng và đạt giá trị gia tăng cao, bên cạnh đó, chúng ta cũng bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, dần tự chủ được về nguồn nguyên vật liệu. Cụ thể, đối với ngành da giày, đã tự chủ được từ 30-45%, ngành cơ khí chế tạo đạt hơn 30%,... Không chỉ đem lại hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước mà các chính sách này còn thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam.
Từ những chính sách chung nêu trên, một số địa phương đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng... Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi... qua đó, thúc đẩy CNHT địa phương phát triển.
Điển hình như TP. Hồ Chí Minh, với việc xác định CNHT là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, địa phương này đã xây dựng nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách cho các dự án ưu tiên được vay vốn bằng cách cấp bù lãi suất; chính sách hỗ trợ lãi vay lên đến 100% và mức vốn hỗ trợ lên đến 200 tỷ đồng; tổ chức Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, CNHT tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh; triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020 – 2030... qua đó, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp CNHT. Hay tại Hà Nội, thành phố xây dựng Chương trình phát triển CNHT theo từng năm, từng giai đoạn nhằm khuyến khích phát triển CNHT, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp CNHT Hà Nội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Còn Vĩnh Phúc, thời gian qua, địa phương này cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy CNHT phát triển như Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 39 của UBND tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3663 về ban hành chương trình hỗ trợ phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025...
Với Đà Nẵng, trong định hướng phát triển kinh tế của mình, Đà Nẵng xác định CNHT là một trong 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT, trong đó, số tiền mà doanh nghiệp có thể được thụ hưởng từ chương trình phát triển CNHT thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 lên tới 5 tỷ đồng.
Đà Nẵng cũng đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển CNHT tập trung vào các sản phẩm như: Linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm CNHT của các ngành công nghiệp ưu tiên. Thành phố cũng có chiến lược riêng để thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển CNHT.
Không chỉ ban hành các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển CNHT, các địa phương cũng tăng cường các hoạt động liên kết, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nội đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng; triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp sản xuất CNHT với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều địa phương chưa phát huy được vai trò của mình, chưa chủ động xây dựng, ban hành, thực thi các chính sách riêng để thúc đẩy ngành CNHT địa phương phát triển, vì vậy, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của địa phương mình.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, để khắc phục tình trạng trên, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT cũng như các địa phương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình theo mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tầu như phối hợp với Samsung Việt nam thực hiện Chương trình hợp tác phát triển nhà máy thông minh; phối hợp với Honda Việt Nam thực hiện Chương trình hỗ trợ, tư vấn cái tiến doanh nghiệp CNHT; phối hợp với Toyota Việt Nam thực hiện Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực CNHT ô tô... Thông qua các hoạt động này, các địa phương có thể tham khảo, thực hiện đổi mới một cách hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xưởng sản xuất linh phụ kiện xe máy của Công ty Nhựa Hà Nội
Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được của các chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và các địa phương, Bộ Công Thương kỳ vọng các địa phương chủ động nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của CNHT trong quá trình CNH-HĐH đất nước, đồng thời khuyến khích các địa phương trong việc xây dựng các chính sách, chương trình phát triển CNHT nói riêng và công nghiệp nói chung, giúp Việt nam nắm bắt cơ hội từ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp.
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển CNHT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển các nhà cung cấp cùng với các doanh nghiệp FDI lớn; đặc biệt là xây dựng 2 Trung tâm hỗ trợ phát triển CNHT tại phía Bắc và phía Nam để chung tay cùng các địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp CNHT trong nước.
Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã thành lập một tổ công tác gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, trong đó Cục Công nghiệp là đơn vị thường trực, để làm việc với các địa phương nhằm trao đổi những nội dung về các chính sách của Trung ương đã ban hành và trên cơ sở đặc thù của từng địa phương thì tiếp tục xây dựng những chính sách cho phù hợp với các địa phương.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển CNHT, Bộ Công Thương đang đề xuất những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, xây dựng các cụm liên kết ngành, hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng… để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như CNHT nói riêng. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng chính sách tại địa phương để làm sao hỗ trợ được trực tiếp cho các doanh nghiệp đem lại hiệu quả ngày càng cao cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài, các địa phương cần bố trí thêm nhân sự làm về lĩnh vực công nghiệp, đồng thời có những cơ chế chính sách ràng buộc đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong thực hiện tỷ lệ nội địa hóa, có như vậy mới có thể giúp các doanh nghiệp CNHT trong nước phát triển, qua đó thúc đẩy CNHT địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Minh Vũ