Thứ Bẩy, 23/11/2024 03:16:25 GMT+7
Lượt xem: 5154

Tin đăng lúc 05-07-2018

Vai trò của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phát triển kinh tế

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã và đang ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo chí mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã khẳng định điều này.
Vai trò của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phát triển kinh tế
Ảnh minh họa

PV: Qua gần 18 năm ra đời và phát triển, ông đánh giá như thế nào về TTCK Việt Nam?

 

 

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

 

 

Ông Trần Văn Dũng: Những kết quả mà TTCK Việt Nam đạt được sau 18 năm là rất đáng ghi nhận. Chúng ta đã hình thành được một thị trường cổ phiếu được tổ chức ở cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) với quy mô vốn hóa đạt 75% GDP và đang tăng trưởng rất nhanh. Đây là nơi giúp doanh nghiệp cổ phần đại chúng thực hiện huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và giúp công chúng có thêm cơ hội đầu tư.

 

Chúng ta đã phát triển thành công một thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), có quy mô niêm yết khoảng 22% GDP, đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và cũng đã phát triển thành một TTCK phái sinh giao dịch rất sôi động dù rất mới mẻ, cung cấp thêm công cụ quản lý rủi ro và lựa chọn mới cho đầu tư.

 

Chúng ta đã phát triển được một TTCK phát triển nhanh, bền vững và khá đồng bộ về cơ cấu. Đặc biệt, TTCK Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc tái thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tính từ năm 2005 đến nay (15/5/2018), hai Sở GDCK đã trực tiếp thực hiện đấu giá cổ phần hóa cho 646 DNNN, thoái vốn 328 cuộc. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi chương trình cổ phần hóa của Chính phủ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của kinh tế nước nhà.

 

PV: TTCK được xem là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Trong thời gian qua, vai trò của TTCK đã được phản ánh thế nào vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

 

Ông Trần Văn Dũng:  TTCK Việt Nam đã thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, nó đã giúp doanh nghiệp và Chính phủ huy động 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu cộng lại đã xấp xỉ 100% GDP và đang tăng trưởng rất nhanh, so với mức dư nợ tín dụng ngân hàng hiện tại khoảng 140 - 145% GDP. TTCK đang bắt đầu song hành với thị trường tín dụng, bổ sung hỗ trợ cho nhau hiểu quả để giải quyết bài toán về nguồn vốn tổng thể cho tăng trưởng kinh tế, trong đó thị trường tín dụng tập trung xử lý nhu cầu vốn ngắn hạn đến trung hạn và TTCK tập trung xử lý nhu cầu về vốn từ trung hạn đến dài hạn. Sự chuyển dịch trong cơ cấu vốn cho đầu tư phát triển đã bắt đầu phát huy tác dụng giúp nguồn lực tài chính của quốc gia được phân bố một cách hiệu quả hơn và góp phần giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tín dụng ngân hàng.

 

TTCK phát triển đã khẳng định được vai trò trong việc điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng vào việc cải thiện tính công khai, minh bạch của cả nền kinh tế. Nhiều chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin, chế độ báo cáo của doanh nghiệp niêm yết đã được Chính phủ ghi nhận và cho áp dụng rộng rãi trong khối doanh nghiệp nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chất lượng về quản trị doanh nghiệp cũng như độ tin cậy của hệ thống báo cáo tài chính trong những năm gần đây đã cải thiện đáng kể. Một TTCK minh bạch hơn đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, nhất là trong lăng kính của nhà đầu tư quốc tế.

 

PV: ý kiến cho rằng, dù thị trường tăng trưởng mạnh mẽ về “lượng”, tuy nhiên, “chất” chưa tăng tương xứng. Ông có chia sẻ gì về điều này?

 

Ông Trần Văn Dũng: Cũng phải nhìn nhận rằng, còn nhiều vấn đề chúng ta phải tiếp tục giải quyết để phát triển cả về “lượng” và “chất” cũng như hài hòa giữa hai nhân tố trên. Ví dụ như, quy mô của thị trường đã phát triển nhanh song chưa tương xứng, khi số lượng doanh nghiệp trên sàn tuy đã đến con số hàng ngàn nhưng chưa thể nói là nhiều.

 

Về “chất”, chúng ta còn có nhiều việc phải làm để tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, công khai, minh bạch và cải thiện hiệu quả hoạt động... Hệ thống giám sát, quản lý thị trường; chất lượng phục vụ nhà đầu tư, phục vụ doanh nghiệp của cơ quan quản lý cũng cần được tiếp tục cải thiện.

 

PV: Vậy đâu là những giải pháp căn cơ để gia tăng chất lượng tăng trưởng cho thị trường, hướng tới mục tiêu TTCK phát triển ngày càng bền vững, công khai, minh bạch, thưa ông?

 

Ông Trần Văn Dũng: Theo tôi, chúng ta cần xác định mục tiêu ưu tiên là đảm bảo duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK, phát triển thị trường theo chiều sâu và kiên trì công tác tái cấu trúc. Thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tiếp tục tập trung vào 5 giải pháp sau:

 

Một là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi để giải quyết các vướng mắc của hệ thống hiện hành, đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để tạo môi trường pháp lý an toàn và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

 

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc TTCK trên 4 trụ cột: Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; Tái cơ cấu về hàng hóa trên thị trường; Tái cơ cấu về cơ sở các tổ chức tài chính trung gian; Đặc biệt là tái cấu trúc về khu vực thị trường, trong đó việc thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở tái cấu trúc hai Sở GDCK hiện tại để nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động.

 

Ba là, tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung bằng đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên tinh thần Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Bốn là, tiếp tục đưa vào giao dịch các sản phẩm giao dịch mới trên TTCK, trong đó năm 2018 ưu tiên sản phẩm chứng quyền có bảo đảm và hợp đồng tương lai TPCP.

 

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK. Chúng tôi cho rằng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho TTCK, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Duy Thái (thực hiện)


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang