Giai đoạn 2021 – 2025, hàng loạt các địa phương đã lập chương trình phát triển CNHT, với những mục tiêu, kế hoạch cụ thể. Cùng với việc mở rộng kết nối giao thương thông qua các chương trình hội chợ với sự tham gia của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các Hiệp hội DN và các tỉnh, thành phố, nhiều địa phương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như chuẩn bị trước hạ tầng, đầu tư các khu công nghiệp chuyên dụng cho các DN FDI cũng như CNHT đến ‘làm tổ’.
Là tỉnh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với lượng lớn khu công nghiệp đóng trên địa bàn, Bắc Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 800 DN CNHT, đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho các DN FDI trên địa bàn, chú trọng vào 3 ngành chính là điện - điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến.
Ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh cho biết, để đạt được con số 500 DN CNHT hiện đang tham gia chuỗi cung ứng, tạo việc làm cho hơn 80.000 lao động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử và cơ khí và chiếm khoảng 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh, Bắc Ninh đã phải trải qua một hành trình dài.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề ra chiến lược với nhiều giai đoạn thực hiện để đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, từ năm 2015, Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 229 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu cụ thể về phát triển CNHT và trọng tâm vào 3 ngành chính: điện - điện tử, cơ khí chế tạo và công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao. Tỉnh cũng định hướng lập, chuyển một số cụm công nghiệp thành cụm CNHT chuyên biệt và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN thuộc 3 ngành CNHT nêu trên.
Cùng đó, Bắc Ninh xây dựng chiến lược tăng cường thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT, nhằm gia tăng số lượng DN CNHT. Đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa DN trong nước và DN FDI, giữa các DN CNHT với DN lắp ráp; thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp.
Để giúp DN tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng, ngày 22/9/2020, UBND tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ DN Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Chương trình nhằm tăng tỉ lệ đóng góp hàng năm của các DN Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào giá trị sản xuất công nghiệp do Samsung tạo ra.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang
Với Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng hơn 110 DN, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực cơ khí chế tạo máy, đang hoạt động hoặc có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực CNHT, chiếm 6,3% tổng số DN công nghiệp của thành phố. Phần lớn các DN trong lĩnh vực này tại Đà Nẵng có quy mô còn nhỏ, nhưng tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của các sản phẩm CNHT trong toàn ngành công nghiệp đạt tới 20,2% trong năm 2022.
Trong định hướng phát triển kinh tế Đà Nẵng, CNHT là một trong 3 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển của Đà Nẵng, nhằm góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố. Thành phố cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ DN CNHT. Trong đó, số tiền mà DN có thể được thụ hưởng từ chương trình phát triển CNHT thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 lên tới 5 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Đà Nẵng đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển CNHT tập trung vào các sản phẩm như: Linh kiện, phụ tùng, vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và các dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu sản phẩm CNHT của các ngành công nghiệp ưu tiên. Thành phố cũng có chiến lược riêng để thu hút được một số công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian, tác động lan tỏa phát triển CNHT.
Trong khi đó, với Bình Dương, phát triển CNHT là xu hướng tất yếu, không chỉ phục vụ sản xuất công nghiệp của Bình Dương và cả nước mà còn hướng tới xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang có chính sách hỗ trợ các DN phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, trong đó, chú trọng phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT.
Còn tỉnh Vĩnh Phúc thì đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có trên 50 DN trên địa bàn tỉnh thuộc lĩnh vực linh kiện phụ tùng có đủ điều kiện phát triển trở thành nhà cung cấp cấp 1, cấp 2 cho các hãng sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy, điện, điện tử hoàn chỉnh và cung ứng một phần cho các DN, tập đoàn kinh tế lớn hoặc xuất khẩu. Vĩnh Phúc phấn đấu có 10 DN trong nước sản xuất sản phẩm CNHT có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia được vào thị trường xuất khẩu.
Về quy hoạch phát triển CNHT ở các địa phương, Bộ Công Thương kỳ vọng các cơ quan chính quyền địa phương có thể nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thúc đẩy ngành CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, có sự phân bổ nguồn lực tương xứng, bắt đầu từ việc cải tiến sản xuất và chất lượng cho các DN Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu. Mô hình hợp tác giữa Trung ương, chính quyền địa phương và DN lớn chung tay thúc đẩy CNHT đang ngày càng phát huy hiệu quả.
Thế Ngọc