Nhà kính rộng một ha của HTX Nông nghiệp Trung Na ở xã Tiên Hội được xây dựng và đi vào sản xuất năm 2016 đến nay vẫn là mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao duy nhất ở huyện Đại Từ. Nhà kính được đầu tư ba tỷ đồng, mỗi năm sản xuất 50 tấn cà chua, 25 tấn khoai tây, doanh thu từ 700- 800 triệu đồng/năm. Để sản xuất ra lượng sản phẩm này, HTX Nông nghiệp Trung Na thuê từ tám đến mười lao động làm việc thời vụ, trả công theo giờ với giá 25 nghìn đồng/ha, thuê đất với mức một tạ thóc/ sào ruộng.
Thành viên HTX Nông nghiệp Trung Na, người quản lý và điều hành sản xuất của nhà kính Nguyễn Quang Nạp cho biết: “Cà chua và khoai tây trồng trong nhà kính tuân theo quy trình sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Sản phẩm của HTX được cấp chứng nhận VietGAP, chủ yếu được bán cho các trường học bán trú ở TP Thái Nguyên và hai trường học trên địa bàn huyện Đại Từ. Bán cho các trường học, so với thị trường tăng 50%, còn bán ngoài thị trường thì không đáp ứng được về giá, vì người tiêu dùng không phân biệt được chất lượng sản phẩm”.
Ông Nạp cũng cho biết: Nước tưới trên địa bàn được cung cấp quanh năm, đất đai bằng phẳng, người dân sẵn sàng cho thuê để tích tụ ruộng đất, nguồn lao động dồi dào nên rất thuận lợi cho sản xuất. HTX muốn mở rộng sản xuất và một số cá nhân muốn hợp tác, hùn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn do hạ tầng phục vụ sản xuất như đường, điện, kênh mương thủy lợi không đồng bộ; thị trường tiêu thụ hạn chế, người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm nông nghiệp sạch so với sản phẩm thông thường. Bản thân HTX còn thiếu kỹ thuật, cần sự hỗ trợ nhiều hơn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.
Để khuyến khích sản xuất rau an toàn, huyện Đại Từ đã quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 100 ha ở xã Tiên Hội và đầu tư Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Tiên Hội (Đại Từ). Dự án có tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng bốn tuyến đường nội đồng kết nối với quốc lộ 37, kênh mương, hỗ trợ giống, phân bón và chuyển giao khoa học công nghệ. Đây là sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với sản xuất rau an toàn, làm tiền đề cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, giá thành sản phẩm cao, trong khi đó thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, người tiêu dùng chưa ý thức được sản phẩm nông nghiệp được sản xuất với quy trình sạch, hữu cơ so với sản phẩm được sản xuất thông thường. Ông Nguyễn Quang Nạp chia sẻ: Giá thành một kg su hào được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có giá thành khoảng 25 nghìn đồng, nhưng bán ngoài thị trường chí khoảng 15 nghìn, bán cao hơn thì người tiêu dùng không mua nên không thể sản xuất được.
Theo Báo Nhân Dân