Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, nhiều vị trí đường dây và các thiết bị điện ở gần biển, có mức độ ô nhiễm cao nên thường xảy ra hiện tượng phóng điện bề mặt cách điện. Trước đây, biện pháp duy nhất để giải quyết tình trạng nhiễm bẩn và nhiễm mặn sứ cách điện là cắt điện đường dây, sau đó tiến hành vệ sinh thủ công từng bát sứ. Cách làm này không chỉ tốn kém chi phí và thời gian mà còn làm tăng nguy cơ mất an toàn cho người lao động.
Mặt khác, việc cắt điện để phục vụ công tác sửa chữa cũng làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người sử dụng điện.
Để giải quyết vấn đề này, ngành điện Đà Nẵng đã nghiên cứu và triển khai thí điểm công nghệ vệ sinh lưới điện phân phối đang mang điện bằng nước áp lực cao trên lưới điện của Thành phố.
Điểm mấu chốt của công nghệ này là nước dùng để vệ sinh lưới điện là nước cách điện. Tức là nước đã qua xử lý bằng cách khử ion dẫn điện, lọc bụi bẩn nên mất khả năng dẫn điện.
Trước mỗi lần vệ sinh lưới điện, người ta phải đo điện trở cách điện của nước; rồi khi di chuyển từ vị trí công tác này sang vị trí công tác khác cũng phải tiến hành đo lại điện trở cách điện của nước để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công nhân.
Tất cả các loại công việc vệ sinh “nóng” lưới điện theo công nghệ này đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và có sự giám sát chặt chẽ. Người thực hiện phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân cần thiết.
Công ty Điện lực Đà Nẵng cho biết việc vệ sinh lưới điện thường được thực hiện trên lưới điện đang mang điện áp đến 110kV.
Ảnh: VGP/Thế Phong
Hiện ngành điện Đà Nẵng đang tổ chức huấn luyện, đào tạo đội ngũ công nhân tiếp cận với công nghệ mới, làm việc với các thiết bị mang điện đến cấp 110 kV, tiến tới nhân rộng việc vệ sinh, sửa chữa “nóng” lưới điện trên địa bàn Thành phố từ năm 2016.
Theo đánh giá bước đầu, việc áp dụng công nghệ vệ sinh cách điện của lưới điện đang mang điện bằng nước áp lực cao này đã giảm thiểu thời gian cắt điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho toàn ngành điện.
Nguồn: Chinhphu.vn