Tuy nhiên, thời gian qua nhiều số liệu thống kê của các bộ, ngành, địa phương đưa ra có nhiều độ “vênh” và “méo mó”, làm cho người muốn sử dụng số liệu không biết tin vào đâu!
Tại kỳ họp Quốc hội lần trước, nhiều đại biểu rất bức xúc khi số liệu nhập siêu năm 2014 của Việt Nam từ Trung Quốc do Trung Quốc công bố cao hơn 20 tỷ USD so với công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam và cả những năm trước đó kim ngạch nhập siêu cũng cao hơn. Nhiều vị đại biểu thắc mắc, không biết số liệu của Việt Nam đúng hay của Trung Quốc đúng? Và 20 tỷ nhập siêu nằm ở đâu? Liệu có kinh tế “ngầm” hay không? Cho đến nay câu hỏi đó hầu như còn đang bỏ ngỏ, bởi mỗi người giải thích một kiểu, chưa có sự kết luận nào.
Từ lâu, đặc biệt là mới đây, Quốc hội lại “rộ” lên về số liệu GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và GRDP (tổng sản phẩm nội địa của địa phương). Đến bây giờ tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã Đại hội Đảng xong. Hầu hết trong các Báo cáo của các tỉnh, thành phố đều ghi nhận chỉ tiêu GRDP của địa phương trong 5 năm qua đều đạt rất cao (hơn 1,5 - 2,5 lần so với GDP cả nước). Vậy “GDP chạy đi đâu?”, đó cũng là câu hỏi đặt ra của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại một cuộc hội thảo gần đây. Cách đây vài năm, trước sự bức xúc của đại biểu Quốc hội và những nhà nghiên cứu về “độ vênh” số liệu, Tổng cục Thống kê đã thành lập 5 đoàn kiểm tra tại Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng và Khánh Hòa. Kết quả GRDP thực tế của các địa phương đó thấp hơn 2 - 5,5 lần so với báo cáo. Cũng tại một cuộc hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã tâm tư “Thú thực, tôi thấy con số thống kê thế nào ấy, tôi không dám tin. Nợ xấu đố ai biết bao nhiêu, tôi không dám tin con số nào, vì hôm nay nói thế này, mai nói thế khác…, nếu cứ căn cứ vào những con số này để phân tích sẽ đi đến đâu”?
Mới đây, trong Nghị quyết về Phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 10/11 đã “mạnh dạn” bỏ chỉ tiêu về “tạo việc làm mới”. Vì theo nhiều đại biểu, thực ra, đây là một chỉ tiêu vô căn cứ, thiếu thực tế và không có sức thuyết phục. Những năm trước, khi nền kinh tế khó khăn, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể tăng lên nhanh chóng, nhưng năm nào cũng đưa ra con số giải quyết việc làm cho 1,5 - 1,6 triệu lao động, gần đây, kinh tế phục hồi cũng đưa ra con số này. Có đại biểu còn ví von, số liệu đưa ra giống như thống kê nuôi gà thời bao cấp: Bố kê khai với Hội Phụ lão nuôi được 10 con gà, mẹ kê khai với Hội phụ nữ cũng nuôi được 10 con gà, con kê khai với Đội thiếu niên cũng nuôi được 10 con gà, thành ra nhà nuôi được 30 con gà, thực chất chỉ có 10 con. Hay một nữ công nhân, nay làm ở nhà máy này, nhưng lương thấp, mai đến làm công ty khác, song cũng được tính giải quyết việc làm cho hai người; hoặc xuất khẩu mặt hàng nào đó của tỉnh A, nhưng qua cửa khẩu tỉnh B, thì cả A và B đều tính thành tích đạt kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó, như vậy là tính trùng, tạo ra tăng trưởng ảo.
Những số liệu “vênh, méo mó” không chỉ xảy ra đối với thống kê GDP, GRDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, sản lượng nông sản, chăn nuôi, giải quyết việc làm, mà thể hiện hầu như trong tất cả các lĩnh vực có số liệu thống kê, báo cáo.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân vì đâu?
Trước hết đó là do “bệnh” thành tích.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng đưa ra số liệu “méo mó”, không thực tế, theo người đứng đầu của Tổng cục Thống kê chỉ rõ là do “bệnh” thành tích của lãnh đạo. Đúng như thế, thực tế, hầu hết nghị quyết đảng bộ cấp tỉnh, thành phố đều đặt chỉ tiêu GRDP cao hơn so với thực tế và cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng GDP của cả nước. Để đạt được cơ cấu ngành, khu vực theo nghị quyết đại hội đảng, cơ quan số liệu địa phương đã tùy tiện điều chỉnh theo số liệu “đẹp” cho vừa lòng lãnh đạo. Bên cạnh đó, để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường so sánh tốc độ tăng trưởng với các địa phương khác trong cùng một vùng, hoặc giữa các thành phố trực thuộc Trung ương với nhau. Vì thế, khi địa phương mình bị tính thấp hơn tỉnh bạn là có sự chỉ đạo để nâng số liệu cho hài lòng cấp trên. “Bệnh” thành tích cũng xảy ra nhiều tại một số bộ, ngành Trung ương với việc đưa ra những số liệu “đẹp”. Ngay trong ngành Giáo dục, Y tế cũng nhiều vụ lùm xùm như vậy. Bộ Nội vụ khi đưa ra con số trên 99% công chức hoàn thành nhiệm vụ cũng làm nhiều người nghi ngờ…
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự “méo mó” số liệu là năng lực của cán bộ, những người trực tiếp thực hiện số liệu thống kê.
Chính lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng phải thừa nhận rằng, đội ngũ làm công việc thống kê, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa hoàn toàn tinh thông về nghiệp vụ, nhất là tại các địa phương, huyện, xã và doanh nghiệp. Mặc dù địa phương, doanh nghiệp là gốc của nhiều loại số liệu để báo cáo lên cấp trên. Không ít cán bộ thống kê chưa thực sự quan tâm và thiếu hiểu biết nghiệp vụ khi về cơ sở thu thập số liệu tại các huyện, xã.
Nguyên nhân thứ ba là do phương pháp tính.
Theo quy định hiện nay, các phòng thống kê chuyên ngành tính toán và cung cấp chỉ tiêu giá trị sản xuất (GO) và các chỉ tiêu liên quan (doanh thu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vốn đầu tư, khối lượng luân chuyển hàng hóa, hành khách…) cho phòng thống kê tổng hợp tính toán số liệu GRDP. Tuy nhiên, trong quá trình tính toán số liệu GRDP của địa phương, phòng thống kê tổng hợp đã điều chỉnh số liệu một số chỉ tiêu của các phòng thống kê chuyên ngành cung cấp, nhưng không trao đổi lại, dẫn đến tình trạng cùng một chỉ tiêu song Cục Thống kê báo cáo số liệu khác nhau cho các vụ của Tổng cục Thống kê.
Cùng với đó, một số chuyên ngành chưa thực hiện đúng phương pháp tính toán quy định. Một số địa phương có tốc độ tăng về giá trị theo giá so sánh và tốc độ tăng sản phẩm (thóc, cà phê, thuốc lá, điện, nước, dệt…) chênh lệch nhau khá nhiều. Một số ngành, lĩnh vực có tốc độ tăng GO, VA quá cao và mâu thuẫn với các chỉ tiêu liên quan như: Vốn đầu tư thực hiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chi ngân sách thường xuyên...
Mặc dù Hệ số chi phí trung gian, giá và chỉ số giá do Tổng cục công bố cho từng vùng, từng tỉnh, thành phố, nhưng vẫn còn có Cục Thống kê chưa sử dụng đúng để tính toán số liệu giá trị tăng thêm, giảm phát giá trị sản xuất về giá so sánh của các ngành. Các cục thống kê thường sử dụng số liệu hệ số chi phí trung gian, giá và chỉ số giá thấp hơn số liệu Tổng cục công bố; áp dụng hệ số chi phí trung gian giữa các năm không thống nhất, trong khi vẫn thực hiện giảm phát đơn.
Để kết thúc bài này, chúng tôi muốn đưa ra lời nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một cuộc họp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế. Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê GRDP của các địa phương, nhưng chúng ta cần những con số thật”.
Xuân Lê