Bộ TN và MT cho biết: Hiện cả nước có 786 đô thị, trong đó có khoảng 100 đô thị là trung tâm kinh tế quan trọng của các vùng, miền. Tỷ lệ đô thị hóa (năm 2014) đạt khoảng 34,5%, với dân số đô thị khoảng 31 triệu người; dự báo đến năm 2025 là 52 triệu người (chiếm 50% dân số cả nước). Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa diễn ra tương đối nhanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, như: Tài nguyên đất bị khai thác để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước giảm gây ra úng ngập; nhiều xí nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn trước đây nằm ở ngoại thành, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc. Việc mở rộng không gian đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng tới vấn đề an toàn lương thực quốc gia và đời sống của nhân dân khu vực ngoại thành. Sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải, trong đó chất thải nguy hại ngày càng gia tăng. Ngoài ra, bùng nổ giao thông cơ giới cũng gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn nghiêm trọng tại khu vực này…
Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của Bộ TN và MT, hiện chỉ có 40 trong số 786 đô thị của cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, với tổng công suất khoảng 800 nghìn m3/ngày đêm. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt từ 10% đến 11%, số còn lại được thải trực tiếp ra môi trường. Số liệu Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2011 về chất thải rắn (CTR) cũng cho thấy: Tổng lượng CTR sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình từ 10% đến 16% mỗi năm. Khối lượng CTR sinh hoạt chiếm khoảng từ 60% đến 70% tổng lượng CTR đô thị (một số đô thị lên đến hơn 90%); tiếp đến là CTR xây dựng, CTR công nghiệp, CTR y tế… Các nguồn CTR đô thị phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu tập thể, chất thải đường phố, trung tâm thương mại, công trình xây dựng, sửa chữa hạ tầng, cơ sở công nghiệp nằm trong đô thị, hoặc từ khu công nghiệp; bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh... Điển hình như TP Hà Nội, tổng khối lượng CTR sinh hoạt khoảng 6.366 tấn/ngày, nhưng tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý tại các huyện ngoại thành chỉ đạt từ 75% đến 80%. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày Hà Nội thải ra môi trường khoảng 750 tấn CTR công nghiệp song công tác thu gom CTR công nghiệp, mới được từ 637 tấn đến 675 tấn/ngày (đạt 85% đến 90%).
Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, phần lớn CTR chưa được phân loại tại nguồn, mà chủ yếu thu gom lẫn lộn và vận chuyển đến bãi chôn lấp; công tác tái chế, xử lý CTR nói chung và quản lý, xử lý chất thải nguy hại nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều công trình xử lý CTR đã được xây dựng và vận hành, nhưng cơ sở vật chất, năng lực và hiệu quả chưa đạt yêu cầu…
Đánh giá về công tác xử lý CTR tại Việt Nam, Thứ trưởng TN và MT Võ Tuấn Nhân cho rằng: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, lượng CTR phát sinh tại các đô thị, khu công nghiệp và cả ở nhiều vùng nông thôn ngày càng gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, công tác xử lý CTR thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại như: Việc phân nhiệm trong quản lý CTR còn phân tán, chồng chéo và nhiều lỗ hổng; thể chế, chính sách về quản lý CTR chưa hoàn thiện, thực thi triệt để. Công tác thông tin chưa được đầu tư, chú trọng đúng mức, nhất là công tác xã hội hóa và huy động cộng đồng tham gia còn nhiều hạn chế… Vì vậy, Bộ TN và MT đã chọn chủ đề cho Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2016 là “Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững”, để nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác bảo vệ môi trường tại các đô thị, hướng tới một đất nước Việt Nam xanh và bền vững.
Bộ TN và MT sẽ phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức từ ngày 16 đến 18-9, các hoạt động chính như: Tổ chức lễ phát động và ra quân thu gom rác thải đô thị hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2016 tại TP Tam Kỳ; tập huấn phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường dành cho doanh nghiệp; tập huấn về “Ảnh hưởng của đốt ngoài trời tới môi trường và sức khỏe cộng đồng”; chương trình đổi Pin sinh thái… Bộ TN và MT cũng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố lựa chọn một điểm nóng về rác thải đô thị trên địa bàn để tổ chức các hoạt động thu gom, làm sạch, sau đó bàn giao công trình cho các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội của địa phương quản lý, bảo vệ và duy trì chất lượng môi trường. Các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2016 sẽ hạn chế việc tổ chức mít-tinh, tránh hình thức, phô trương. Các hoạt động được triển khai cụ thể, thiết thực, mang tính liên tục và gắn kết với chủ đề, hướng về cộng đồng và huy động tốt sự tham gia của cộng đồng nhằm giải quyết tốt vấn đề nóng tại địa phương hiện nay… |
Nguồn Báo Nhân Dân điện tử