Theo biên bản xác nhận hiện trường lập lúc 11h40 cùng ngày, lực lượng chức năng gồm: Đội Quản lý điện khu vực (QLĐKV) Nghĩa Lộ, UBND và Công an xã Hạnh Phúc đã phối hợp xác minh vụ việc. Nạn nhân được xác định là em Tráng A.T. (sinh năm 2012), cư trú tại thôn Háng Thồ.
Được biết, vào khoảng 10h00, máy cắt 379/100 Trạm Tấu thuộc đường dây 35kV lộ 379E12.2 nhảy. Đến 10h17 phút, máy cắt này lạy tiếp tục nhảy lần thứ 2, dù thời tiết khu vực hoàn toàn bình thường. Sau khi tiếp nhận thông tin từ phòng Điều độ Công ty Điện lực Lào Cai, Đội QLĐLKV Nghĩa Lộ đã bố trí nhân lực kiểm tra sự cố. Quá trình kiểm tra, nhóm công tác nhận được thông tin có người trèo lên cột điện để bắt chim, dẫn tới sự cố phóng điện. Đội QLĐLKV Nghĩa Lộ đã lập tức triển khai kiểm tra hiện trường, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và Công an xã xác minh vụ việc. Cột điện xảy ra sự cố thuộc tuyến đường dây 35kV Suối Giao, mang ký hiệu DCL 379-7/145-2-42A-8-8-1. Tại hiện trường, lực lượng chức năng xác định trên cột có đầy đủ biển cảnh báo “Cấm trèo! Điện cao áp nguy hiểm chết người”.
Vụ việc tại xã Hạnh Phúc không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, ngày 06/5/2025, một học sinh lớp 5 tại thôn Hỏm Dưới, xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn (theo địa giới hành chính cũ) cũng bị điện giật khi trèo lên cột điện để bắt tổ chim.
Từ góc độ chuyên môn, hành lang an toàn lưới điện là vùng bảo vệ sinh mạng. Việc xâm phạm không chỉ đe dọa tính mạng người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống điện quốc gia, gây thiệt hại về kinh tế và gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng. Với đặc điểm địa hình phức tạp, nhiều tuyến đường dây tại Lào Cai chạy qua các khu vực dân cư thưa thớt, rừng núi, nơi người dân vẫn còn nhiều tập quán sinh hoạt cũ như trèo cây, săn bắn chim muông, khai thác gỗ sát lưới điện. Nếu không được tuyên truyền hiệu quả, các hành vi này rất dễ dẫn đến nguy cơ phóng điện, chập cháy, tai nạn chết người.
Ngành Điện xác định rõ sẽ không thể đơn độc trong việc bảo vệ hành lang lưới điện nếu thiếu sự phối hợp từ cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống giáo dục và các tổ chức đoàn thể. Một số đơn vị trực thuộc Công ty đã triển khai đưa nội dung an toàn điện vào sinh hoạt ngoại khóa tại trường học, yêu cầu học sinh tuyên truyền ngược trở lại trong gia đình. Tại các xã có nguy cơ cao, nhiều nơi đã thành lập tổ tự quản, trực tiếp giám sát hành vi của người dân trong khu vực có đường dây đi qua. Tuy vậy, để các biện pháp này phát huy hiệu quả bền vững, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường chế tài xử phạt và xây dựng văn hóa an toàn điện như một phần của giáo dục công dân tại cơ sở.
Nghị định số 17/2022/NĐ-CP đã quy định rõ mức xử phạt hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện, từ 5 đến 100 triệu đồng, tùy theo mức độ. Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở chế tài mà còn cần kiến tạo một nhận thức xã hội mới: Hành lang lưới điện không phải là vùng "không ai quản", mà là khu vực trọng yếu về an toàn năng lượng quốc gia. Mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần hiểu rằng cột điện không phải là nơi để trèo lên, dây dẫn không phải là chỗ để đùa nghịch, và mạng điện không phải là thứ có thể can thiệp bằng tay trần.
Sự cố đau lòng tại xã Hạnh Phúc là bài học nhãn tiền, nhắc nhở chúng ta rằng mọi hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện, dù xuất phát từ tò mò, thói quen hay chủ quan, đều có thể dẫn tới hậu quả khôn lường. Đã đến lúc cần nhìn nhận việc bảo vệ hành lang lưới điện không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật, mà là nhiệm vụ cộng đồng, văn hóa và trách nhiệm xã hội.
Ngọc Hà