Thứ Sáu, 22/11/2024 16:20:54 GMT+7
Lượt xem: 1704

Tin đăng lúc 29-04-2018

Vi phạm sở hữu trí tuệ: Nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự

“Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)” là chủ đề nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp vì tính quan trọng của nó, thậm chí ảnh hưởng đến sự “sống còn” của doanh nghiệp…
Vi phạm sở hữu trí tuệ: Nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự
Các doanh nghiệp tham gia chương trình “Doanh nghiệp Việt Nam và vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”

Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Liên minh Phần mềm Quốc tế (BSA) tổ chức mới đây tại TPHCM.

 

Vi phạm còn nhiều

 

Theo quy định, Thanh tra Bộ VH-TT-DL là cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Qua hoạt động thanh tra cho thấy, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra khá phổ biến, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu quyền, ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước và tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

 

“Mặc dù, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong công việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm, nhưng tỷ lệ vi phạm theo công bố của BSA vẫn là 78% (tính đến năm 2016)”, ông Trần Văn Minh, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết.

 

Trong khi đó, theo báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2016 của Cục SHTT, lượng đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào cục tăng cao (14,2%), kết quả xử lý đơn sáng chế tăng cao so với năm 2015 (tăng 23%), đặc biệt là việc xử lý đơn sáng chế của người Việt Nam được quan tâm và thúc đẩy. Cũng cần thấy, báo cáo nêu ra việc nhận thức về những hành vi vi phạm quyền SHTT, quyền tác giả, trong đó có bản quyền phần mềm vẫn chưa được các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ. Theo ghi nhận, bản quyền phần mềm máy tính là một trong những lĩnh vực bị xâm phạm nhiều nhất tại Việt Nam.

 

Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã thực hiện quyết định thanh tra bản quyền phần mềm tại 63 doanh nghiệp, kiểm tra 2.472 máy tính. Kết quả, phát hiện 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu; xử lý vi phạm hành chính hơn 1,6 tỷ đồng.

 

Từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra Bộ VH-TT-DL tiếp tục tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với chương trình phần mềm máy tính tại 26 doanh nghiệp, xử phạt vi phạm hành chính 750 triệu đồng.

 

Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự

 

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT, trong những năm qua, pháp luật về thực thi, bảo vệ quyền SHTT, trong đó có thực thi bằng biện pháp hình sự không ngừng được củng cố, hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi, bảo vệ quyền SHTT.

 

"Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực thực thi từ ngày 1-1-2018) đã lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần đưa pháp luật hình sự của nước ta gần hơn với chuẩn mực pháp luật của các nước tiên tiến trên thế giới, qua đó tăng cường tính răn đe của pháp luật hình sự đối với tội phạm song cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc tuân thủ pháp luật”, ông Lê Ngọc Lâm bày tỏ.

 

Theo ông Trần Văn Minh, Điều 225 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chống lại tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có bản quyền phần mềm máy tính.

 

“Với những hình phạt nghiêm khắc được quy định trong bộ luật này đã có hiệu lực, tôi cho rằng, đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp cần phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình và có hành động kịp thời, để tránh những tổn thất nặng nề về uy tín, tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nếu có một ngày các hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện”, ông Minh nói.

 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, mong muốn doanh nghiệp có những nhận thức đầy đủ hơn để thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ liên quan đến SHTT, một mặt nhằm bảo vệ an toàn thông tin, tài sản trí tuệ của mình, mặt khác tránh gặp phải những rủi ro về pháp lý trong kinh doanh liên quan đến việc vi phạm quyền SHTT.

 

Ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình Tuân thủ Khu vực châu Á -Thái Bình Dương của BSA khuyến nghị các doanh nghiệp nên sử dụng mô hình Quản lý tài sản phần mềm để bảo đảm chỉ cài đặt, sử dụng phần mềm hợp pháp, có giấy phép trong tổ chức.

Về cơ bản, quy trình này bao gồm 4 bước.

Bước 1, các doanh nghiệp tiến hành đánh giá kiểm kê để biết được công ty đang sử dụng phần mềm có bản quyền hay không phép.

Bước 2, các phần mềm phải đồng bộ với nhu cầu của doanh nghiệp mình.

Bước 3, công ty nên đề ra các quy trình trong nội bộ doanh nghiệp.

Cuối cùng, các doanh nghiệp nên tiến hành tích hợp các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp mình để có được việc sử dụng các phần mềm có phép.

 

 

Nguồn Sggp.org.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang