PV: Người dân Việt Nam muốn được hưởng một giá điện rẻ hơn và không gây ô nhiễm môi trường. Hiện giá điện tại Việt Nam đang thấp hơn chi phí sản xuất và chi phí phân phối. Tuy nhiên, Việt Nam lại cần gấp đôi lượng điện năng để tạo ra cùng một đơn vị tăng trưởng GDP so với Thái Lan, vậy làm thế nào để Việt Nam có một giá điện rẻ hơn nữa, thưa ông?
Tiến sỹ David Dapice: Giá điện rẻ hay đắt, điều này phụ thuộc vào cách định nghĩa của các bạn. Theo tôi, giá cả của điện than phụ thuộc vào hai phần, trong đó, một là chi phí tài chính rơi vào khoảng từ 7 - 8 Cent/kWh, nó rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng gió ở Việt Nam và rẻ hơn gas một chút nữa, nhưng còn một giá trị nữa mà ta không thể nhìn thấy và đong đếm được đó là mức độ ảnh hưởng của năng lượng đối với sức khỏe và môi trường. Tiêu thụ nhiều than sẽ sinh ra rất nhiều bụi tro và khói độc hại, điều này gây ra ô nhiễm nặng tới môi trường sống xung quanh. Theo ước tính của tôi, thì giá trị này là từ 2 - 4 Cent/kWh. Vì vậy, ngoài việc chúng ta nhìn nhận dưới góc độ bạn phải trả bao nhiêu tiền cho chi phí sản xuất ra điện năng mà còn phải tính cả đến yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì điện than thực tế sẽ rơi vào từ 10 - 11 Cent/kWh chứ không phải là 7 - 8 Cent/kWh nữa. Tôi nghĩ, Việt Nam sẽ có một mức giá điện rẻ hơn nếu các bạn có một chính sách mới về sử dụng năng lượng thay thế và kế hoạch xanh hóa điện năng được đưa ra trong thời gian tới. Việc có nên tiếp tục khai thác năng lượng từ than hay mở rộng ra các nguồn năng lượng khác sạch hơn, tôi cho rằng, sử dụng nguồn năng lượng sạch là một chiến lược thông minh và bền vững hơn.
Giáo sư David Dapice
PV: Có một điều lo ngại rằng, nếu không dùng than để làm trọng tâm sản xuất điện nữa thì Việt Nam sẽ không đủ nguồn điện cung cấp cho nền kinh tế, hoặc sẽ phát sinh chi phí sản xuất điện quá cao. Vậy ông có bình luận gì về điều này?
Tiến sỹ David Dapice: Nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời và năng lượng gió tại Việt Nam là rất dồi dào. Tuy vậy, năng lượng mặt trời và gió lại đang khá đắt nếu đem so sánh với các nước khác. Bởi lẽ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa có đủ cơ sở hạ tầng để truyền tải lượng điện mặt trời, điện gió rất lớn từ Ninh Thuận, Bình Thuận... tới thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác, những nơi đang tiêu thụ rất nhiều điện năng. Vì thế, điện mặt trời, điện gió sẽ rẻ hơn nếu cơ sở hạ tầng điện lực của Việt Nam được nâng cấp.
EVN khuyến khích các hộ gia đình sử dụng giải pháp điện mặt trời áp mái
Để định giá cho điện năng thì người ta dựa trên tất cả các chi phí cấu thành của nguồn năng lượng này. Ở Thái Lan, giá điện phục vụ cho sản xuất - kinh doanh là từ 11 - 12 Cent/kWh và đó cũng là chi phí cho việc sản xuất ra điện năng và truyền tải. Còn ở Việt Nam lại tính theo cách lấy giá trung bình của thủy điện, vì vậy khi khai thác nhiệt điện nhiều hơn thì giá điện cũng theo đó mà tăng lên. Sẽ tốt hơn khi Việt Nam học tập mô hình của Thái Lan và nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới trong việc tính giá điện dựa trên nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và chỉ khi nào làm được như thế thì Việt Nam mới có được nguồn năng lượng tốt hơn, xanh hơn và rẻ hơn.
PV: Ông cho rằng, Việt Nam còn có những giải pháp thiết thực hơn, vậy cụ thể là gì, thưa Tiến sĩ?
Tiến sỹ David Dapice: Chúng ta không thể phủ nhận được nhiệt điện than có vai trò rất quan trọng trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn nhiên liệu nào cũng hữu hạn và giá cả cho nguồn nguyên liệu đó sẽ ngày càng tăng lên khi nguồn than ngày một cạn kiệt, đồng thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề bảo vệ môi trường sống xung quanh. Do vậy, những cụm từ về xanh hóa năng lượng và làm thế nào có thể làm cân bằng bài toán tạo ra những nguồn năng lượng mới, cũng như sử dụng những nguồn năng lượng đã có như điện khí, điện gió, điện năng lượng mặt trời cùng với điện than… đang là một bài toán khó. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã và đang khuyến khích người dân cần phải đẩy mạnh ứng dụng hơn nữa giải pháp điện mặt trời áp mái. Theo đó, mỗi một gia đình có thể lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất từ 3 - 10 kWh ở trên mái nhà để vừa đảm bảo lưới điện truyền tải hạ thế không phải đầu tư thêm, cũng như đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện cho các thiết bị trong gia đình. Đặc biệt, lượng điện dư thừa sẽ được bán lại cho EVN. Có như vậy, về lâu dài thì giá điện tại Việt Nam mới có thể rẻ hơn và xanh hơn.
Anh Tuấn