Thế nhưng, nhu cầu đó đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi vô số những loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đang “tung hoành” trên thị trường, nó hủy hoại sức khỏe, tàn phá sắc đẹp không chỉ của phụ nữ mà của tất cả những ai quan tâm đến việc làm đẹp.
Mỹ phẩm không nguồn gốc “lộng hành”
Theo thống kê, hiện nay trên thị trường có đến hơn 50% sản phẩm mỹ phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ trong đợt cao điểm về kiểm tra mỹ phẩm vừa qua (từ ngày 15/7/2015 - 15/10/2015), Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của Hà Nội đã xử lý hàng trăm vụ vi phạm, thu giữ và xử phạt trên 5 tỷ đồng, đáng chú ý là số lượng hàng bị bắt giữ mỗi vụ ngày một nhiều.
Chưa bao giờ, mỹ phẩm lại được rao bán tràn lan trên thị trường nhiều như hiện nay. Từ bắc chí nam, từ thành phố tới nông thôn, từ trung tâm thương mại, hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa, đến các trang mạng xã hội,… đâu đâu cũng thấy chào bán mỹ phẩm. Điều đáng lo ngại là rất nhiều trong số những loại mỹ phẩm này là hàng “dởm” đội lốt hàng xách tay, nhập khẩu từ nước ngoài về “khoác trên mình” tên những thương hiệu nổi tiếng khiến người tiêu dùng rất khó nhận biết.
Dạo quanh một vòng các chợ tại Hà Nội như chợ Xanh, chợ Đồng Xuân, Phùng Khoang..., mới thấy rằng có rất nhiều quầy mỹ phẩm với hàng trăm loại khác nhau. Ở đây, bạn có thể thoải mái lựa chọn từ phấn mắt, phấn má hồng, phấn phủ, son môi, đến các loại kem dưỡng da, mặt nạ đắp mặt, thuốc nhuộm tóc... được gắn cho nhiều “quốc tịch” khác nhau, trong đó, rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu của những hãng nổi tiếng như Chanel, Lancome, Maybeline, Mac, Shiseido... nhưng không hề có tem nhãn của nhà sản xuất, không ghi rõ thành phần, hạn sử dụng... Và điều đặc biệt là các sản phẩm “hàng hiệu” này đều có giá rẻ đến bất ngờ, chỉ bằng 1/3 – 1/5, thậm chí 1/10 giá trị sản phẩm thật. Theo một chủ cửa hàng tại chợ Đồng Xuân cho biết, trong cửa hàng của chị có cả hàng xịn lẫn hàng nhái, nhưng khách mua buôn thường lấy hàng nhái để bán, vì giá cả rẻ, mẫu mã lại giống y chang hàng xịn nên rất dễ bán, thậm chí nếu gặp khách “gà” thì họ sẽ bán với giá “hàng xịn”.
Không chỉ dừng lại ở kênh truyền thống là các chợ, bằng những thủ đoạn tinh vi hơn, đánh vào tâm lý xính hàng ngoại, giá rẻ của người tiêu dùng, thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, shop online hoặc tung chiêu thanh lý toàn bộ sản phẩm, xả hàng cuối năm, bán hàng không lợi nhuận..., những kẻ trục lợi tung ra những chiêu khuyến mại giảm giá từ 20% - 50% thậm chí lên tới 60% với giá “cực sốc” để bán những sản phẩm đang được chị em phụ nữ thích dùng nhất như: Kem làm trắng da, dưỡng da, kem trị mụn, trị nám, son, nước hoa... với công dụng được quảng cáo như mịn da, ngừa mụn, chống lão hóa... nên thu hút được rất nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, về nguồn gốc và chất lượng của những loại mỹ phẩm siêu rẻ này thì vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.
Chị Hoàng My, nhân viên bán hàng của hãng mỹ phẩm Laneige cho biết: “Đối với các thương hiệu mỹ phẩm có tên tuổi, việc giảm giá rất ít khi xảy ra, chỉ trừ những dịp đặc biệt. Và mức giảm giá cũng không bao giờ có chuyện lên đến 40% - 50% so với giá gốc, mà thường chỉ giảm khoảng trên dưới 10% đối với một vài dòng sản phẩm nhất định”.
Hậu quả khôn lường
Thời gian vừa qua, với hàng loạt các vụ việc liên quan đến việc buôn lậu, sản xuất mỹ phẩm giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với số lượng lớn bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng mỹ phẩm giả, nhái vẫn tồn tại và gây độc hại cho người sử dụng.
Chị em phụ nữ chúng ta chắc sẽ “đoạn tuyệt” với mỹ phẩm nếu tận mắt chứng kiến công thức sản xuất các loại mỹ phẩm “cao cấp” của một số cơ sở làm ăn bất chính. Chỉ từ các loại bột nguyên liệu mua trôi nổi trên thị trường hoặc tại các chợ được trộn lẫn với nhau, các mẻ “mỹ phẩm” sau khi bỏ vào nồi nấu chín, để nguội được rót vào các hũ, lọ, hộp rồi dán tem, nhãn mác “hô biến” trở thành các sản phẩm như: Kem trắng da, kem trị nám, trị mụn... đưa ra thị trường tiêu thụ. Với “công nghệ” này, không cần nói thêm gì nhiều chúng ta cũng biết được chất lượng của nó ra sao và hậu quả nó để lại nặng nề như thế nào cho sức khỏe và sắc đẹp người sử dụng.
Và có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân tại sao hiện nay tại các bệnh viện Da liễu, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh liên quan đến dị ứng mỹ phẩm ngày một nhiều. Nhẹ thì viêm nhiễm da, bít lỗ chân lông để lại mủ và sẹo; nặng hơn có thể gây rối loạn sắc tố da rất khó điều trị... Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến người mang thai, có thể gây ra quái thai, hại gan, thận... Những loại bệnh này thường diễn biến phức tạp, tốn kém kinh phí và phải điều trị rất lâu dài.
Hãy cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn mỹ phẩm giả
Thực tế cho thấy mỹ phẩm giả có thể lộng hành trên thị trường như vậy, có lẽ bởi xuất phát từ nhu cầu sử dụng ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là phái nữ, trong khi đó mỹ phẩm lại rất dễ làm giả với chi phí thấp và lợi nhuận cao trong khi hành lang pháp lý, chế tài còn thiếu, chưa cụ thể chặt chẽ, mức độ xử lý các hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe... Bởi vậy, mặc dù rất nhiều vụ việc, nhiều cơ sở buôn bán, sản xuất mỹ phẩm giả đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý với số lượng tính bằng tấn nhưng dường như chỉ như muối bỏ biển.
Người tiêu dùng hoang mang, lo sợ nhưng vẫn đành phải chấp nhận một thị trường mỹ phẩm quá thiếu an toàn. Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng thì lực bất tòng tâm, chịu cảnh sống chung với hàng gian, hàng giả. Cơ quan chức năng thì mãi vẫn chưa có giải pháp nào khả thi và hiệu quả...”. Câu nói “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp” có lẽ sắp phải sửa thành “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không dám làm đẹp”. Trước thực trạng trên, đã đến lúc người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan chức năng phải cùng bắt tay hợp tác để đẩy lùi vấn nạn này, nhằm tạo một môi trường xã hội an toàn hơn, lành mạnh hơn./.
Như Quỳnh