Thứ Sáu, 22/11/2024 00:51:01 GMT+7
Lượt xem: 6336

Tin đăng lúc 03-04-2015

Vì sao quyền của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng

Trong cuộc sống thường ngày, rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng.
Vì sao quyền của người tiêu dùng vẫn bị xâm hại nghiêm trọng
Người tiêu dùng "chóng mặt" vì sữa liên tục tăng giá

Chẳng hạn, giá dược phẩm, giá sữa cao hơn các nước; một số cây xăng có vấn đề về số lượng, chất lượng, giá cả; hàng kim khí, điện máy không đúng thương hiệu, không được bảo hành; hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh; phân bón, thuốc trừ sâu giả…Tuy nhiên, quyền lợi của những người tiêu dùng không được bảo vệ, thậm chí có nhiều hàng hóa có nguy cơ tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cũng đang bị “ thờ ơ”. Vì sao vậy?

 

          Có Luật, có cơ quan quản lý Nhà nước, có các hội, nhưng vai trò còn bỏ ngỏ

 

Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ tháng 7 năm 2011, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã có cơ sở ở 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã mở đường dây nóng 18006838 tiếp nhận thông tin để có giải pháp xử lý, hỗ trợ người tiêu dùng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam là một trong những nước có luật pháp và tổ chức bảo vệ người tiêu dùng quy mô và rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, vai trò, ảnh hưởng và hiệu quả của những luật pháp và công cụ này chưa rõ ràng.

 

Một số nội dung của Luật dù đã ban hành nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Chẳng hạn, theo quy định của Luật, các khiếu nại của người tiêu dùng khi ra tòa  sẽ theo thủ tục rút gọn, tức là không phải theo 3 cấp như bình thường mà với các vụ việc đơn giản chỉ cần 1 cấp. Nhưng hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn thi hành từ bên tố tụng dân sự. Về chế tài, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hiện còn còn chế tài quá nhẹ.

 

Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng ghi rõ người tiêu dùng có rất nhiều quyền, nhưng thực tế không dễ thực hiện bởi họ phải vượt qua rất nhiều thủ tục phiền toái; quy trình kiện tụng phức tạp, kéo dài; chứng minh thiệt hại nhiêu khê. Theo tập quán xã hội, người mua hàng không yêu cầu và người bán hàng không cung cấp hóa đơn, chứng từ, trong khi đó, đây là chứng cứ chủ yếu để được bồi thường. Thiệt hại tinh thần càng khó chứng minh.

 

Nhiều tổ chức đại diện hội Bảo vệ người tiêu dùng tuy hiện hữu, nhưng do thiếu người, thiếu phương tiện, đặc biệt là thiếu nguồn tài chính nên hoạt động không hiệu quả. Thực chất các tổ chức này chủ yếu làm nhiệm vụ hòa giải giữa người tiêu dùng và người sản xuất hoặc kinh doanh. Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng là một hội tự nguyện, không có kinh phí hoạt động, hầu như không có hội viên, nên vai trò của Hội không lớn và việc thực hiện các vụ khiếu kiện của người tiêu dùng vô cùng khó khăn. Theo quy trình, sau khi tiếp nhận hồ sơ khiếu nại của người tiêu dùng, Hội sẽ soạn thảo công văn mời “bị can” và người khiếu nại đến văn phòng làm việc. Sau đó là quá trình hòa giải. Nhưng để đi đến được tiến trình hòa giải là chuỗi dài đầy cam go từ nhiều phía, từ các cơ quan chức năng liên  quan, trung tâm kiểm định, công an… Còn những vụ phức tạp thì phải đưa nhau ra tòa án dân sự. Trên thực tế, ít trường hợp các bên đưa nhau ra tòa vì cả hai phía phải đối mặt với những quy trình, thủ tục phức tạp, tốn kém về tiền bạc và thời gian. Vì vậy, vai trò của các tổ chức này đến nay chủ yếu cũng chỉ là hình thức.

          Người tiêu dùng có nhiều quyền, nhưng những quyền đó chưa được phát huy

 

Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực từ năm 2011, xác định, người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản, đó là:

 

- Được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

 

- Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc hàng, dịch vụ; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

 

- Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 

- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 

- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

 

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

 

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

 

Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên Xã hội, kinh tế và Môi trường (ISEE) thực hiện vào đầu năm 2015 cho thấy, có tới 46% người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, 40% mua phải hàng hóa không rõ nguồn gốc. Đặc biệt có gần 90% người tiêu dùng Việt Nam không biết cơ quan, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng; 98% không phải là hội viên của hội, nhóm, câu lạc bộ bảo vệ người tiêu dùng. Cũng theo kết quả khảo sát trên, chỉ có 2-3% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các kênh khiếu nại hoặc khởi kiện khi quyền của mình bị vi phạm. Thông thường khi mua một sản phẩm hàng hóa bị hỏng hay kém chất lượng, người tiêu dùng thường có tâm lý buông xuôi, dễ bỏ qua, cùng lắm là chia sẻ thông tin với bạn bè, người quen hoặc tẩy chay sản phẩm đó. Có thể nói, người tiêu dùng Việt thiếu tính chủ động và thờ ơ với với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

 

Cần sự thay đổi và chủ động từ nhiều phía

 

Trước thực trạng như hiện nay, các ban, ngành, hiệp hội liên quan đề xuất, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế hiện nay; cần có những chế tài mạnh hơn; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, năng lực, sự chủ động của người tiêu dùng trong việc thực hiện các quyền của mình do Luật quy định. Đồng thời, cũng cần xây dựng cơ chế mới về tài chính cho các quỹ bảo vệ người tiêu dùng. Quỹ này có thể lấy từ tiền phạt các công ty vi phạm khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó cũng cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình khiếu nại của người tiêu dùng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước, như Bộ Công Thương, cũng phải nhanh chóng vào cuộc.

 

Xuân Lê


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang