Thứ Sáu, 22/11/2024 16:49:59 GMT+7
Lượt xem: 2982

Tin đăng lúc 29-11-2016

Vì sao xuất khẩu năm 2016 khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra?

Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu Quốc hội đề ra trong năm 2016 là 10%. Trong 10 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 144,076 tỷ USD, chỉ tăng 7,2 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước đạt 41,376 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 28,8%), tăng 4,9% và các doanh nghiệp FDI đạt 102,7 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 71,2%), tăng 8,1%.
Vì sao xuất khẩu năm 2016 khó đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra?
Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Trong khoảng thời gian 5-6 năm trở lại đây, mặc dù số lượng tuyệt đối về kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng trưởng đang giảm dần, điều đó đáng làm cho chúng ta lo ngại. Năm 2011, mức tăng trưởng đạt con số cao nhất 34,2%, năm 2012 xuống còn 18,2%, năm 2013 lại xuống 15,4%, năm 2014 là 13,7%, năm 2015 còn 8,1% và 10 tháng đầu năm nay chỉ khoảng 7,2%. Như vậy, năm 2015 và 10 tháng đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu không đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%/năm). Đây là con số đáng báo động, vì khả năng đạt chỉ tiêu đề ra năm 2016 khó hoàn thành, nếu không có những giải pháp hợp lý vì thời gian không còn lâu nữa.

 

Vì sao tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngày càng có nguy cơ sụt giảm?

         

Trong nước, năm nay thời tiết khắc nghiệt, bão lũ, hạn hán thường xuyên xảy ra khắp mọi miền đất nước, nên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, nhất là hàng nông, lâm sản. Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung cũng tác động không nhỏ đến nguồn cung, năng suất, chất lượng và thị trường thủy sản xuất khẩu. Sự phụ thuộc lớn đến nguồn máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu nước ngoài làm cho ta nhiều khi mất tính chủ động trong sản xuất, nên khối lượng hàng hóa tăng chậm, chủng loại kém phong phú, nhất là những mặt hàng mang tính chủ lực phụ thuộc nhiều đến công nghiệp hỗ trợ như điện thoại di động, máy tính, may mặc, da giày… Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính nên việc tìm kiếm mở rộng thị trường mới, thị trường xa của doanh nghiệp còn khó khăn. Tuy lãi suất đã giảm được ít nhiều, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng vì thủ tục, cơ chế còn bất cập. Tái cơ cấu doanh nghiệp còn thực hiện chậm, nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao… Cùng với đó, do nhu cầu trong nước và chủ trương lâu dài, nên một số mặt hàng khoáng sản như than đá, dầu thô, kim loại cũng không khuyến khích tăng xuất khẩu, nên khối lượng xuất khẩu giảm. Chẳng hạn như dầu thô, 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng 2 tỷ USD, giảm 39,6% so với cùng kỳ (lượng giảm 22,2%).

        

  Bên ngoài, do bất ổn nhiều mặt tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giá giảm. Cùng với đó, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng nhiều đến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Không dừng lại ở đó, biến động khó lường về giá dầu, xung đột và quan hệ giữa các nước lớn tiếp tục căng thẳng cũng như biến động về tỷ giá, tiền tệ của các nước gây tác động tiêu cực đến giá của hàng hóa Việt Nam so với các nước đối thủ đã tạo thêm sức ép cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, các nước có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu tương tự như Việt Nam đã tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, khiến Việt Nam gặp phải cạnh tranh gay gắt hơn. Đơn cử như mặt hàng gạo, do nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu, nên xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, 10 tháng đầu năm cả nước chỉ xuất khẩu 1,9 tỷ USD, giảm 16,3% (lượng giảm 20,6%). Nhiều nước còn tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là nhóm hàng nông, thủy sản.

         

Thời gian còn lại của năm 2016 không nhiều và tình hình vẫn chưa có dấu hiệu nào khởi sắc hơn. Trong khi đó sự cố Galaxy Note 7 vừa mới xảy của Samsung chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.

         

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi trả lời các câu hỏi của phóng viên về khả năng hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu năm 2016 cũng thừa nhận: để xuất khẩu những tháng cuối năm 2016 cán đích sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục cố gắng, nỗ lực. Cần tập trung kinh phí và thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng đang gặp khó khăn về giá, về thị trường. Đặc biệt, lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, trái cây, gạo... Cần lợi dụng triệt để các FTA đã có hiệu lực để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường đó. Bộ Công Thương sẽ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm đã được Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ thời điểm này Bộ cũng sẽ tăng cường dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường để doanh nghiệp nắm rõ các rào cản kỹ thuật và chủ động xây dựng các biện pháp để khắc phục. Cùng với đó, Bộ tiếp tục tham mưu cho các cơ quan chức năng và Chính phủ hoàn thiện môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý của xuất khẩu để giúp các doanh nghiệp khai thác được tối đa nguồn lực. Ngành cũng tập trung ưu tiên các đề án liên quan đến hình thành các chuỗi sản phẩm từ nông nghiệp đến các lĩnh vực công nghiệp. Đây chính là sự chuyển mình theo định hướng mà Việt Nam sẽ chứng kiến trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo sân chơi bình đẳng thì vẫn cần thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước để nâng cao chất lượng cho sản xuất và xuất khẩu khi Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu.

 

Xuân Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang