Hiện nay 438 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 379.000 MW đang làm ra hơn 10% tổng lượng điện sử dụng trên toàn thế giới. Mỹ có nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất, với 99 lò phản ứng làm ra gần 20% sản lượng điện của nước này. Pháp đứng thứ nhì, với 58 lò phản ứng, sản xuất 77% sản lượng điện. Trung Quốc có 27 lò phản ứng tạo ra gần 3% sản lượng điện.
Vừa bước vào năm 2015, các nhà thống kê đã đưa ra một con số đầy ấn tượng. Đó là có những 70 lò phản ứng với tổng công suất gần 74 Gwe đang được xây dựng ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Con số trên phản ảnh sự biến chuyển vị thế của nguồn công nghệ điện hạt nhân trong mối tương quan với các nguồn điện năng khác trên thế giới.
Vị thế của các loại điện năng chi phối bởi các mặt khác nhau, như tính kinh tế (giá thành tính cho một đơn vị điện năng), nguồn dự trữ (trữ lượng mỏ than, mỏ dầu khí, mỏ uranium, nguồn gió, nguồn nắng mặt trời ..), độ an toàn (an toàn sức khỏe, an toàn lao động, an toàn bức xạ và hạt nhân…) và sự tác hại đến môi trường trái đất (tác động xấu đến tài nguyên thiên nhiên, làm biến đổi khí hậu trái đất…).
Thực tế, các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thu năng lượng của con người trong tương lai, cùng với những hạn chế mang tính pháp lý về phát thải khí nhà kính, do đốt nhiên liệu hóa thạch. Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời chưa mang lại hiệu quả thực sự và đáp ứng được kỳ vọng.
Vào thời điểm này, điện hạt nhân dường như là biện pháp tối ưu nhất đối với các quốc gia trên thế giới. Trước tiên, nhiên liệu của nhà máy điện hạt nhân là uranium – nhiên liệu cháy, nhưng vì năng lượng nguyên tử là năng lượng phát sinh do phản ứng phân hạch nên không cần oxy. Quan trọng hơn, điện hạt nhân không thải ra các chất gây ô nhiễm môi trường như các loại khí CO2, NOx, SOx.. Bên cạnh đó, lượng chất thải phóng xạ phát sinh trong nhà máy điện hạt nhân cũng không đáng kể. Một lợi thế khác của năng lượng hạt nhân là tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân kéo dài lên đến 50 năm. Nếu vận hành trong thời gian dài và sớm kết thúc thời gian hoàn vốn thiết bị, thì chi phí phát điện sẽ giảm.
Hiện có đến 16 “quốc gia hạt nhân” trên thế giới đang đóng góp điện hạt nhân với tỷ lệ trên 1/4 (>25%) tổng sản lượng điện năng của đất nước. Trong đó, Pháp là quốc gia có sự đóng góp của điện hạt nhân đạt tỷ lệ lớn nhất, với tỷ lệ khoảng 3/4 tổng sản lượng điện quốc gia. Ở một số nước châu Âu khác như Bỉ, Cộng hòa Czech, Hungary, Slovakia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Slovenia, Ukraina, Bungari và Phần Lan, và cả Hàn Quốc, tỷ lệ đó đạt trên 1/3. Đặc biệt, ở một số “quốc gia hạt nhân” có tiếng, tuy con số tỷ lệ đóng góp thấp chỉ khoảng 1/5, nhưng con số tuyệt đối điện năng hạt nhân lại rất cao, đó là trường hợp của Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha và Liên bang Nga.
Dự kiến, trong năm 2015, thế giới có 436 lò phản ứng, tăng 1 lò phản ứng so với năm 2014
Ngoài ra, 56 quốc gia đang sở hữu và vận hành khoảng 240 lò phản ứng nghiên cứu và hơn 180 lò phản ứng hạt nhân nhỏ và cơ động cung cấp năng lượng cho khoảng 150 tàu thủy và tàu ngầm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận mối quan tâm của xã hội về xử lý chất thải và an toàn hạt nhân đang ngày càng gia tăng sau những vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân kinh hoàng như: Nhà máy Chernobyl năm 1986 hay nhà máy Fukushima năm 2011.
Từ chỗ đứng thời gian đầu năm 2015, có thể nhận ra vị thế mới của ngành công nghệ điện hạt nhân và nhìn thấy bức tranh mới, trong đó các nhà máy điện hạt nhân đã mọc lên khắp cả năm châu trên quả địa cầu. Trong tương lai, điện hạt nhân có thể thực hiện phát triển kinh tế không có phát thải chất carbon độc hại. Điều đó phụ thuộc vào việc ngành công nghiệp điện hạt nhân có thể đạt được tiến bộ trên mặt kiểm soát chi phí vốn, trong khi phải giải quyết các mối quan tâm của xã hội đối với vấn đề an toàn hạt nhân và xử lý chất thải.
Nguồn: icon.com.vn