Thứ Sáu, 22/11/2024 18:06:34 GMT+7
Lượt xem: 3318

Tin đăng lúc 11-12-2017

Việt Nam: 30 năm thu hút FDI và những mảng màu sáng, tối

Tròn 30 năm kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (29/12/1987), Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trên con đường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Việc khai thác hiệu quả nguồn vốn FDI đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng; tiềm lực và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng lên; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Việt Nam: 30 năm thu hút FDI và những mảng màu sáng, tối
Đầu tư của Samsung đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn từ nguồn vốn này thì vẫn còn đó những tồn tại phát sinh từ các dự án FDI mà Việt Nam cần phải đánh giá và điều chỉnh lại.

         

Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước, bằng các liên doanh thăm dò, khai thác dầu khí và trồng cao su theo các hiệp định song phương giữa Chính phủ Việt Nam và một số nước xã hội chủ nghĩa lúc đó. Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào năm 1987 thì hàng loạt các tập đoàn dầu khí lớn của các quốc gia như: Hoa Kỳ, Hà Lan, Anh, Nhật Bản, Malaysia đã đầu tư vào thị trường trong nước. Điều này đã mở ra làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

         

Với những quyết tâm của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút nguồn vốn FDI, ba thập kỷ qua, Việt Nam đã và đang vươn lên trở thành một trong những nước thu hút nguồn vốn FDI nhiều nhất trong khu vực. Đặc biệt, trong suốt chiều dài thu hút FDI, Việt Nam đã chứng minh là “điểm sáng” toàn cầu khi lần lượt chứng kiến sự hiện diện của những nhà đầu tư là các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Honda, Yamaha, Microsoft, LC, Panasonic… Không những đặt chân tới Việt Nam, việc các tập đoàn này liên tục rót vốn vào những dự án “tỷ đô” với mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất mới, cho thấy Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

         

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/9/2017, cả nước có 24.199 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 310,19 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 167,5 tỷ USD, bằng 54% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Theo đó, đã có 126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký đạt 55,8 tỷ USD, chiếm khoảng 18% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ hai với 46,1 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư và lần lượt là Singapore và Đài Loan… Hiện các doanh nghiệp trong khu vực FDI đang chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp trên 70% tổng giá trị xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực là điện thoại, sản phẩm điện tử.

         

Nhiều chuyên gia đánh giá, với sự có mặt của những “doanh nghiệp khổng lồ”, thì đến nay, khu vực kinh tế FDI đã thực sự trở thành một bộ phận của nền kinh tế, là khu vực năng động nhất và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang rất thiếu nguồn lực để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì hàng năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp từ 22 – 24%  tổng vốn đầu tư toàn xã hội và từ 14 – 16% ngân sách cho Nhà nước. Đặc biệt, khu vực FDI đã tạo ra một lượng lớn việc làm, góp phần giải tỏa sức ép tạo việc làm cho nền kinh tế, với khoảng 1,6 triệu lao động mới tham gia vào thị trường lao động mỗi năm. Ngoài ra, khu vực FDI được xem là tiên phong trong việc đào tạo tại chỗ và đào tạo bên ngoài, nâng cao trình độ của công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Một bộ phận trong đó đã có trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ, đủ sức thay thế chuyên gia nước ngoài.

         

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn từ nguồn vốn này thì tình hình thu hút FDI trong thời gian qua vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách như lúc đầu thiết kế chiến lược thu hút FDI. Trong đó, nổi cộm lên là vấn đề về nâng cao trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp FDI. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ trung bình so với thế giới và ngang bằng với Việt Nam, chiếm khoảng 80%. Số doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu 14% và chỉ có 6% doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao. Sau 30 năm thu hút, kết quả đạt được thông qua chuyển giao công nghệ là hết sức hạn chế. Bởi công nghệ được chuyển giao theo các dự án FDI thường là các công nghệ được đưa vào theo lợi ích của nhà đầu tư chứ không phải theo nhu cầu đổi mới công nghệ từ phía Việt Nam. Một điểm đáng lưu ý là trong số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, Việt Nam mới chỉ thu hút khoảng 100, trong khi đó, Trung Quốc đã thu hút 400 doanh nghiệp. Ngay cả khi thu hút được một số tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng toàn cầu như Samsung, LG, Microsoft… thì công đoạn sản xuất tại Việt Nam vẫn chỉ là công đoạn cuối, tức là chỉ lắp ráp, không đòi hỏi lao động chất lượng cao và công nghệ tiên tiến.

         

Ngoài ra, nhiều dự án FDI sử dụng dây chuyền sản xuất với công nghệ lạc hậu đã gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường. Nhiều doanh nghiệp chưa tự giác trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường và chỉ vận hành hệ thống xử lý chất thải khi các cơ quan chức năng quản lý kiểm tra. Điển hình gần đây, các cơ quan báo chí đã đề cập nhiều đến sự tàn phá môi trường của một số doanh nghiệp FDI như Công ty Vedan tại Đồng Nai; Công ty Tung Kuang tại Hải Dương, hay thảm họa môi trường biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế do Tập đoàn Formosa gây ra đã làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế.

         

Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu, không có sự hỗ trợ nhiều cho khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển. Các doanh nghiệp FDI tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chủ yếu sử dụng hàng hóa, dịch vụ trung gian của doanh nghiệp nước ngoài khoảng 66%, trong khi chỉ sử dụng 34% từ các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp FDI đang có những dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế, làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam thì khu vực FDI có tỷ lệ lớn các doanh nghiệp bị thua lỗ trong suốt một thời gian dài (gần 50% trong gian đoạn 2002 – 2009). Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là nhiều doanh nghiệp thua lỗ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, duy trì kinh doanh và tiếp tục thua lỗ trong những năm sau đó.

         

Tóm lại, để phát huy tối đa khối doanh nghiệp FDI đóng góp cho nền kinh tế, các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế cần có những giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn, tham mưu cho Nhà nước khắc phục những tồn tại một cách nhanh chóng và có tính chiến lược trong thời gian tới.

 

Lê Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang