Việt Nam cũng là nước đi đầu trong việc triển khai các biện pháp xây dựng AEC, đạt tỷ lệ 85% so với tỷ lệ trung bình của ASEA là hơn 80%. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các đối tác trong khu vực ASEAN giai đoạn 2003 - 2013 tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 17,7%. Trong đó, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN trong giai đoạn 2003 - 2013 tương đối giống với xu hướng tăng trưởng kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, các DN cần làm gì trong xu thế hội nhập này để có thể tham gia và tranh thủ được tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất của khu vực ASEAN và toàn cầu?
Một trong những vấn đề hiện nay đang được cơ quan chức năng và doanh nghiệp quan tâm là hoạt động xúc tiến thương mại thế nào cho hiệu quả. Trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước bình quân 10%/năm.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực làm công tác này cần được nâng cao cả số lượng và chất lượng. Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho các hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực.
Bộ Công Thương cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới sẽ được tập trung để tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa và tận dụng lợi thế mở cửa từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ không chỉ tập trung vào thị trường ASEAN, mà còn hướng tới nhiều thị trường khác.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN và các FTA thế hệ mới mà Việt Nam sắp tham gia tới đây đòi hỏi các nhà sản xuất phải cố gắng hết sức để sản phẩm Việt Nam có thể cạnh tranh một cách bình đẳng, ngang ngửa với các sản phẩm ngoại nhập.
Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì phía doanh nghiệp cũng cần chủ động trong công tác mở rộng, tìm kiếm thị trường. Vietnam Expo là cầu nối xúc tiến thương mại hiệu quả giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và thế giới trong bối cảnh năm 2016 là một mốc quan trọng khi các Hiệp định thương mại được ký kết. Hơn hai thập kỷ qua được ghi nhận là một sự kiện giao thương mang lại nhiều giá trị kinh tế cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Đại diện Tân Á Đại Thành cho rằng, hoạt động xúc tiến thương mại là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, gặp gỡ các nhà mua nước ngoài, song song với việc mở rộng và củng cố thị trường nội địa.
Cùng với đó, các quốc gia tham dự sẽ có dịp tiếp cận với số lượng lớn các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu thị trường, trao đổi, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp, tham gia vào các chuyến giao thương, đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh đầu tư thị trường nước ngoài trong đó có các thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia, Myanmar…
Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Phong Châu kỳ vọng trước thềm hiệp định tự do thương mại song phương cũng như TPP, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư, hợp tác và mở rộng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài cũng cho rằng, việc kết nối xúc tiến thương mại ngay trên sân nhà cũng là cơ hội để họ tìm kiếm được các đối tác. Ông Jun Dae Joo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, số DN Hàn Quốc tham gia qua các năm ngày càng tăng trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, tiêu dùng, mỹ phẩm, thiết bị y tế… Hoạt động này mang nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.
Theo Vietnamnet.vn