Cần những ‘sếu đầu đàn’ để tạo ‘qủa đấm thép’
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập thời gian qua cho thấy, ngành công nghiệp này đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước, tạo dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài. Trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ các yếu tố bên ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa còn thấp, chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể.
Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp trong quá trình hiện đại hóa đất nước, từ đó tập trung các nguồn lực của quốc gia để phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm đòn bẩy kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ trình, tham mưu Đảng và Nhà nước xem xét ban hành các chính sách; tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh nghiệm của nhiều quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công cho thấy, vai trò quan trọng của hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn là những “doanh nghiệp đầu tàu” hay “sếu đầu đàn” để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất.
“Chúng ta cần có những doanh nghiệp cả trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Đối với doanh nghiệp nhà nước, trong giai đoạn trước đây chúng ta đã từng có những “anh cả đỏ” hay “quả đấm thép” cho phát triển kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định được các doanh nghiệp có đủ bản lĩnh trở thành “sếu đầu đàn” trên cơ sở đánh giá nội lực của doanh nghiệp và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay lắp ráp một cách cơ học. Những doanh nghiệp này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố: Quy mô; thị phần và thị trường; quản trị; ngành lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp quy mô lớn cần có tiềm lực về tài chính, hoạt động hiệu quả dựa trên năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và tăng khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời, phải có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và có định hướng mở rộng sang thị trường nước ngoài (thông qua hoạt động xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài) và có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, hiện đại.
Cần tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: Cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng, khoa học công nghệ hiện đại, đi đầu trong tăng cường quốc phòng an ninh, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ Tổ quốc… Cuối cùng, trong bối cảnh chuyển dịch xanh hướng tới phát triển bền vững, tiêu chí chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và giảm thải khí carbon là tiêu chí quan trọng để hướng tới thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26.
Đổi mới tư duy, có chính sách đột phá để doanh nghiệp phát triển
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đã xác định được các doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, thì việc đổi mới tư duy và xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để các doanh nghiệp này phát triển là điều cần thiết. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới, tập trung vào R&D (nghiên cứu và phát triển), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng, tài chính… để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác.
Đối với “sếu đầu đàn” là các DNNN, cần phải thay đổi cách nhìn và phương thức quản lý. Đã có quan điểm cho rằng, quản lý DNNN hiện đang nặng về kiểm soát, khiến DNNN không được quyền tự chủ để đối phó với những thay đổi trong phương thức sản xuất. Do vậy, cần tập trung vào việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu, để DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Đó là phân cấp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu; tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý theo mục tiêu.
Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho các DNNN quy mô lớn, trên cơ sở cho phép giữ lại một phần tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn hoặc một phần lợi nhuận sau thuế để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa đối với sự phát của đất nước. Ngoài ra, các bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần đối thoại nhiều hơn với DNNN quy mô lớn, lắng nghe những tâm tư, khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, khơi thông nguồn lực của doanh nghiệp.
Với những định hướng giải pháp nêu trên và sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, DNNN sẽ tiếp tục làm tốt vai trò mở đường, dẫn dắt các thành phần kinh tế khác, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đối với “sếu đầu đàn” là doanh nghiệp tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung vào 5 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển, như: Cải cách hành chính, xây dựng chính phủ - chính quyền điện tử; liên thông các thủ tục giữa các bộ, ban, ngành để giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian, công sức, chi phí; minh bạch, công khai. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp triển khai kịp thời những kế hoạch, chương trình kinh doanh, bắt nhịp được những yêu cầu của thị trường mà không bị cản trở bởi độ trễ của thủ tục.
Thứ hai, trong thời gian tới cần tập trung vào các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, giúp tạo ra sức bật nhanh, mang lại lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế, đồng thời giúp tạo ra các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn trong tương lai.
Thứ ba, hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho việc tập trung kinh tế thông qua các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Đây là một trong những con đường ngắn nhất để giúp các doanh nghiệp tích tụ nguồn lực về vốn, chất xám, công nghệ và tối đa hóa lợi thế cạnh tranh.
Thứ tư, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp tư nhân; phát triển những loại hình định chế tài chính trung gian mới; xem xét cho phép triển khai thí điểm (mô hình sandbox) tạo thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư và kênh hút vốn cho các doanh nghiệp; tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thành kênh huy động vốn quan trọng, an toàn cho doanh nghiệp…
Thứ năm, đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư. Chính vì vậy, cần thiết nghiên cứu và xây dựng những mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động R&D của khu vực doanh nghiệp. Đây là mô hình hợp tác đã được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau ở nhiều quốc gia trên thế giới (như Mỹ, Đức, Nhật Bản…).
Theo Congthuong.vn