Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, kinh tế Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những chỉ số quan trọng, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, nhà đầu tư làm ăn tại Việt Nam. Bình quân 5 năm qua đạt tăng trưởng xấp xỉ 6%, trong 6 tháng đầu năm nay nền kinh tế đã lấy lại được đà hồi phục với 6,28% - mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Cũng theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiên thể chế kinh tế thị trường để luôn đồng hành, tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho cộng đồng DN.
Bà Somhatai Panichewa - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Amata Việt Nam đánh giá, không thể phủ nhận rằng Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện các hệ thống chính sách cho các nhà đầu tư nước ngoài song tôi thấy rằng luật của Việt Nam thay đổi quá nhiều, quá nhanh khiến nhà đầu tư khó lòng bắt kịp. Theo bà Somhatai Panichewa, khi luật ổn định các nhà đầu tư sẽ yên tâm, tin tưởng và đầu tư dài hạn.
Cùng quan điểm trên, nhiều DN khác cũng cho rằng Việt Nam cần phải kéo dài thời gian thay đổi pháp lý đồng thời có những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn cho các nhà đầu tư. Chỉ khi pháp luật tạo rõ ràng DN mới có hoạch định chiến lược cụ thể và tận dụng tốt các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đang có.
Liên quan đến vấn đề sức khỏe DN cũng như khả năng tận dụng cơ hội của các Hiệp định thương mại, ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch kiêm CEO Công ty CP đầu tư Uni Group cho biết, chúng ta đang nói nhiều về cơ hội sau các Hiệp định thương mại nhưng cơ hội đó có thực sự thuộc về các DN Việt Nam hay không khi 96% DN nước ta là DN vừa và nhỏ. Những đối tượng này có năng lực tài chính yếu, khó thu hút nhân sự chất lượng cao và khả năng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu còn rất thấp.
Dẫn chứng cụ thể ông Tín cho hay, nếu đem so sánh giữa một DN chế biến gỗ Việt có nguồn vốn đầu tư 10 triệu USD, sử dụng 2.500 lao động với một DN 100% vốn nước ngoài, đầu tư 15 triệu USD và sử dụng 1.000 lao động sẽ thấy sự khác biệt khi doanh số 2 DN như nhau nhưng lợi nhuận DN Việt thu về chỉ 3% còn DN nước ngoài là 10%. Đây là lý do nhiều DN Việt Nam khi xây dựng được thương hiệu khá lên là bán cho các DN nước ngoài.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, Việt Nam hiện thiếu những DN có quy mô lớn và những DN tầm trung để có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, qua đó đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Tôi mong muốn nhà đầu tư và DN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm đề xuất những giải pháp cùng vượt qua thách thức và hoàn thành chiến lược của mỗi nhà đầu tư, DN. Về phía Chính phủ Việt Nam, hiện nay cam kết và gửi đến DN, nhà đầu tư thông điệp kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường cạnh tranh cho DN. |
Đối với việc Chính phủ Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ mặc dù đã có những tác động đến thị trường Việt Nam tuy nhiên Việt Nam có đủ khả năng, điều kiện, nguồn lực để triển khai thành công và khẳng định tiếp tục tham gia vào thị trường thế giới phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Tại Diễn đàn kinh doanh 2015, Forbes đã trao giải cho 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Các DN lọt vào danh sách này có kết quả kinh doanh vượt trội trong 14 ngành, có vị thế chủ đạo trên thị trường và đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Danh sách được xây dựng dựa trên phương pháp xếp hạng công ty của tạp chí mẹ, có cân nhắc đến đặc thù các DN niêm yết tại Việt Nam. Dữ liệu sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính có kiểm toán của 3 năm liên tiếp. Đây là năm thứ 3 Forbes Việt Nam công bố danh sách này.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử