Tại cuộc họp báo sáng ngày 10/4, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã cập nhật và công bố triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cụ thể, ADB đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng lên 6,5% năm 2017 và đạt mức 6,7% năm 2018. Tăng trưởng mạnh trong ngành công nghiệp và dịch vụ dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì, sản lượng nông nghiệp và khai khoáng tăng nhẹ cũng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Theo biểu đồ phân tích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam của Bộ kế hoạch và Đầu tư, năm 2016, vốn FDI giải ngân cao, cùng với vốn cam kết mới, dự báo mức giải ngân tiếp tục tăng cao trong năm 2017 – 2018. Trong quý I năm 2017 giải ngân vốn FDI đạt 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhờ tỷ lệ giải ngân FDI cao nhằm xây dựng các cơ sở sản xuất mới; ngành bất động sản hoạt động mạnh mẽ; đầu tư công tiếp tục cao vào hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế của ADB cũng lưu ý, ngành bất động sản tại Việt Nam hiện nay đang “sa đà” vào các dự án nhà ở phân khúc cao và hạng sang trong khi đó để giải quyết vấn đề nhà ở và sử dụng vốn FDI trong ngành xây dựng hiệu quả chính phủ Việt Nam cần rà soát và tập trung vào các dự án nhà ở bình dân, hoặc dự án cho người thu nhập thấp.
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng khi các cơ hội thương mại được mở ra với Liên minh châu Âu thông qua hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU.
Trước câu hỏi của giới chuyên gia kinh tế Việt Nam về việc: tình hình thế giới sẽ có những tác động như thế nào đến việc thu hút FDI của Việt Nam? Ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB Việt Nam nhận định rằng: “Việt Nam có khả năng chống sốc tốt trước các thay đổi về chính sách rút khỏi TPP và chương trình chống nhập cư của Tổng thống Donald Trump cũng như Brexit”.
Ông Aaron lý giải, Việt Nam có nhiều nguồn đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia khác nhau, nói cách khác thị trường đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất đa dạng. Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, EU, Mỹ... bởi vậy một cú sốc từ một thị trường riêng lẻ không có khả năng tác động mạnh đến việc thu hút nguồn FDI của Việt Nam. Bên cạnh đó Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (FTA) sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Nên Việt Nam có quyền lạc quan về những dự báo của ADB.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, ADB tái khẳng định Việt Nam cần đảm bảo phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, đặc biệt là duy trì được mức thu hút FDI như hiện tại, đồng thời khắc phục những tồn tại, để nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành một nước có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Nguồn Enternews