Thứ Sáu, 22/11/2024 07:59:05 GMT+7
Lượt xem: 1728

Tin đăng lúc 02-11-2023

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho giới đầu tư công nghệ cao quốc tế

Thời gian qua, Việt Nam đang nỗ lực chuyển hướng từ các ngành sử dụng nhiều lao động truyền thống như dệt may, lắp ráp điện tử sang các ngành công nghệ cao. Có thể nói, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư công nghệ cao quốc tế.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho giới đầu tư công nghệ cao quốc tế
Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn (Ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Phú Bình))

Mới đây ngày 19/10, ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng, xác nhận Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd của Đài Loan sẽ đầu tư dự án trị giá 135 triệu USD vào Khu CNC Đà Nẵng. Đây là dự án sản xuất thiết bị điện tử CNC, gồm chế tạo bút cảm ứng, tai nghe không dây, bộ pin, trạm sạc và mạch in điện tử. Khi dự án này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tạo việc làm cho khoảng 2.000 người lao động tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

 

Trước đó Hana Micron, nhà sản xuất chip hàng đầu của Hàn Quốc khẳng định sẽ đầu tư 1 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam và đây là cơ sở kinh doanh quan trọng nhất của tập đoàn. Khoản đầu tư của Hana Micron được kỳ vọng sẽ mang lại động lực đáng kể cho ngành bán dẫn đang phát triển của Việt Nam.

 

Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang tạo ra một làn sóng đầu tư lớn vào Việt Nam. Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, cho hay 150 nhà đầu tư từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam dự hội nghị do đơn vị vừa tổ chức. Điều này cho thấy, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn trên toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, đầu tư xanh và đặc biệt là lĩnh vực vi mạch bán dẫn sau khi quan hệ ngoại giao Mỹ và Việt Nam nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện. “Điều đặc biệt hơn, các nhà đầu tư này đang quản lý nguồn tiền khổng lồ lên đến 1.000 tỉ USD. Chỉ cần 0,1% số tiền này đổ vào đầu tư sẽ đóng góp một mức tăng trưởng rất tốt cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Don Lam chia sẻ.

 

Ông Trần Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ PVI (PVIAM), cũng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lựa chọn Việt Nam là nơi đầu tư kinh doanh và là điểm sáng của khu vực. Hiện dòng vốn đầu tư nước ngoài đã đi vào 18/21 ngành nghề kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam đang muốn dòng vốn tập trung vào các ngành nghề khác, đặc biệt là ngành CNC. Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam và các doanh nghiệp Mỹ liên tục đến thăm, tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam vừa qua đang chứng tỏ điều này.

 

 

Tập đoàn UAC (Mỹ) đầu tư Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine tại Khu CNC Đà Nẵng

 

Nhiều chuyên gia khẳng định, trước đây các nhà đầu tư thường tìm các thị trường rẻ nhất để mở nhà máy sản xuất, song hiện nay họ đã chuyển sang việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đây là lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút được dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang quyết liệt thực hiện chiến lược “friend – shoring”, nghĩa là đưa đầu tư và chuỗi cung ứng sang các nước được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế, hoặc có rủi ro thấp. Rõ ràng, Việt Nam đang có lợi thế là một nước như vậy.

 

Tuy vậy, để duy trì động lực tăng trưởng và thu hút nguồn vốn nước ngoài, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tăng sức hấp dẫn bằng cách hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho các công ty CNC. Theo đó, Chính phủ có thể đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo với mục tiêu cung cấp kỹ năng và kiến thức cần thiết cho lực lượng lao động. Thủ tục pháp lý nhanh chóng và chính xác cũng là yếu tố giúp thu hút đáng kể nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ có thể hiện thực hóa điều này bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định rõ ràng, nhất quán cũng như thực thi chúng một cách công bằng và đồng nhất.

 

Thời gian tới, với những diễn biến mới trên thế giới buộc Việt Nam phải nhanh chóng đưa ra những giải pháp phù hợp, thích ứng nhằm hỗ trợ thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhất là với những FDI CNC, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 

Những năm gần đây, với sự có mặt của các tập đoàn CNC như: Samsung, LG, Canon, Intel… đã tạo ra những cú hích giúp kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Việc đồng hành và hỗ trợ cho các doanh nghiệp này là sợi chỉ đỏ trong chính sách ưu đãi của Việt Nam, để các tập đoàn này không những không muốn rời đi mà còn tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

 

Trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều sự thay đổi thì việc Việt Nam nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi khung pháp lý về thuế, ưu đãi đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế là rất đúng đắn và cấp thiết. Đây cũng chính là cách thể hiện sự hỗ trợ các doanh nghiệp này trước những khó khăn mới. Đồng thời, vẫn đảm bảo được các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư.

 

Chính phủ có thể cân nhắc xác định các nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư lớn, có hoạt động R&D và CNC để đưa ra các phương án ưu đãi, hỗ trợ hiệu quả. Ví dụ như: Hỗ trợ trực tiếp để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực ở các địa phương mà các nhà đầu tư đó hoạt động, hỗ trợ nâng cấp các ngành công nghiệp bản địa phụ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược đó, hỗ trợ nâng cao năng suất và khả năng sáng tạo quốc gia.

 

Mới đây, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden là dấu mốc quan trọng nữa sau các chuyến thăm Việt Nam trước đó của Phó Tổng thống; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Ngoại trưởng Mỹ. Hồi tháng 3 năm nay, phái đoàn 50 tập đoàn lớn của Mỹ cũng đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, trong đó có những tên tuổi đáng chú ý như Apple, Microsoft, Boing, Meta, Google... Vì vậy, đây là thời điểm thay đổi cục diện đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

 

Với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, trong năm 2024 Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn. Việt Nam có lợi thế về đất hiếm trong hợp tác với Mỹ, nên đây là thời cơ có lợi cho cả hai bên. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành những nhà cung ứng lớn cho các tập đoàn công nghệ Mỹ như Foxconn, Luxshare trong thời gian tới khi hai nước có thêm bước phát triển mới trong quan hệ song phương.

 

Anh Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang