Hội thảo là hoạt động phối hợp giữa Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Công Thương Cộng hòa Séc, Liên đoàn Công nghiệp và Giao thông Séc cùng với công ty Asia Center. Tới dự có các cán bộ chủ chốt của Bộ Công Thương, đại diện các Bộ Môi trường, Phát triển vùng (du lịch), Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Hiệp hội Các nhà quản lý, các doanh nghiệp Czech quan tâm tới thị trường Việt Nam, một số doanh nghiệp Việt Nam tại Séc.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc Jiri Koliba, Chủ tịch Phân ban Séc trong Ủy ban Hợp tác Kinh tế Séc-Việt Nam, khẳng định rằng mặc dù Cộng hòa Séc đã thành lập chính phủ mới với nhiều sự thay đổi, trong đó có vị trí Bộ trưởng Bộ Công Thương, song chính sách hợp tác kinh tế-thương mại của Séc đối với Việt Nam vẫn không thay đổi. Việt Nam vẫn là đối tác kinh tế quan trọng của Cộng hòa Séc. Bộ Công Thương Séc đã chọn Việt Nam là một trong 12 thị trường xuất khẩu chiến lược và điều này vẫn giữ nguyên từ nay cho đến năm 2020, không bị tác động bởi các sự kiện chính trị tại Cộng hòa Séc.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Hồ Minh Tuấn cho biết, theo số liệu của Cục Thống kê Séc, những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đều tăng, năm 2015 đạt 755 triệu USD, năm 2016 đạt 912,5 triệu USD. Dự báo, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sẽ đạt mức 1 tỷ USD. Các con số này đã cho thấy nhu cầu giao thương giữa hai nước ngày càng trở trên quan trọng, cần thiết. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư, cho đến tháng 11/2017, Cộng hòa Séc mới có 36 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn là khoảng 110 triệu USD, còn Việt Nam chỉ có bốn dự án đầu tư sang Séc với tổng vốn đăng ký khoảng 5 triệu USD. Các con số đó còn quá nhỏ, chưa tương xứng với kỳ vọng của cả hai bên.
Tại hội thảo, phía Việt Nam đã cung cấp cho các cơ quan quản lý, các tổ chức thương mại và các doanh nghiệp Séc những thông tin mới có tính định hướng về các chính sách khuyến khích, ưu tiên trong đầu tư-thương mại của Việt Nam, giới thiệu về môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam, những dự án ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay. Tiếp đó, đại diện một số công ty Séc đã phát biểu về kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, về đặc thù môi trường kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp ở một quốc gia có nhiều nét tương đồng nhưng cũng nhiều sự khác biệt với Cộng hòa Séc.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Jaromir Dudak, Chuyên viên cao cấp về Việt Nam của Bộ Công Thương Séc và ông Trần Hiệp Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đều nhấn mạnh tới sự cần thiết của các hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư. Theo hai ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Séc chưa xứng với tiềm năng là do các doanh nghiệp hai nước chưa nhận được đầy đủ thông tin cần thiết để ra các quyết định về chiến lược kinh doanh của mình./.
Nguồn Người Lao Động