Cơ hội nào để Việt Nam “chiếm lĩnh” thị trường chíp bán dẫn?
Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp sau đại dịch Covid-9 và các cuộc chiến tranh xung đột giữa các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đối đầu công nghệ Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, thì một số quốc gia muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng chíp bán dẫn, nhằm giảm bớt phụ thuộc công nghệ vào Trung Quốc. Trong đó, riêng châu Á có không ít các nước như: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và cả Ấn Độ cũng đã tìm cách hưởng lợi từ những gã khổng lồ chip và đang muốn sắp xếp lại bản đồ chíp bán dẫn tại khu vực đông dân và năng động nhất thế giới này.
Đối với Việt Nam, từ các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam và chuyến công tác dự Tuần lễ Cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và hoạt động song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (từ ngày 17 - 23/9/2023) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Lãnh đạo hai nước đã thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ. Thủ tướng Việt Nam đồng tình với Tổng thống Mỹ về nhận định "Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để mở cửa tương lai của chúng ta".
Trong lần tiếp xúc và gặp gỡ của Thủ tướng Việt Nam với các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào chiều 21/9, một số doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ và thế giới, gồm Apple, Boeing, Google và Siemens Healthineers…, trong đó, Cadence Design Systems và Intel là hai tập đoàn lớn của Mỹ và Đại học bang Arizona cam kết giúp Việt Nam tăng năng lực thiết kế chip bán dẫn, đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ cao.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước dành thời gian, công sức, trí tuệ, nguồn lực ưu tiên cho đầu tư khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhất là chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Các doanh nghiệp Mỹ đều cho rằng, việc nâng cấp quan hệ hai nước thành Đối tác Chiến lược toàn diện đã mở ra nhiều cơ hội đầy hứa hẹn cho hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ về các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đề xuất những phương thức hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Về lâu dài, các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.
Những tín hiệu tốt mở ra triển vọng hợp tác hiệu quả
Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Công ty Synopsys với Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nhằm hỗ trợ phát triển trung tâm thiết kế vi mạch (chip) tại Việt Nam
“Việt Nam muốn trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple”, đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi trao đổi với ông Nick Ammann, Phó Chủ tịch Phụ trách quan hệ Chính phủ toàn cầu và các lãnh đạo cấp cao của Apple - Một tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ chuyên thiết kế, phát triển và bán thiết bị điện tử tiêu dùng, phần mềm máy tính và các dịch vụ trực tuyến. Ông Nick Ammann cho rằng, Việt Nam có đội ngũ nhân lực khá hùng hậu trong lĩnh vực kinh tế số, nên Apple rất quan tâm đến chiến lược năng lượng sạch của Việt Nam và việc thúc đẩy tiếp cận năng lượng sạch cho các nhà sản xuất của Tập đoàn tại Việt Nam; đồng thời mong muốn tham gia phát triển, đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là đội ngũ nhân lực phát triển các phần mềm. Hiện, Tập đoàn Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; Còn Tập đoàn Intel chuyên cung cấp vi xử lý cho các nhà sản xuất hệ thống máy tính như Acer, Lenovo, HP và Dell cũng đang mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỷ USD. Xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Phó Chủ tịch Phụ trách chính sách công của Meta - Joel Kaplan, đại diện Meta nói: "Tập đoàn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị cho "vũ trụ ảo" (metaverse) trong những năm tới". Đồng thời, nhắc lại việc đã ký biên bản ghi nhớ với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) về việc thúc đẩy các hoạt động về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam; hợp tác với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy hoạt động fanpage, tăng lên 4,2 triệu lượt theo dõi, trở thành fanpage thành công nhất so với các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng tin tưởng và mong rằng, Meta tiếp tục cung cấp cho phía Việt Nam các giải pháp công nghệ, chuyển giao công nghệ nhiều hơn; đồng thời hợp tác về tài chính để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; hợp tác nâng cao năng lực quản trị trong các lĩnh vực mà Meta có thế mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đã dành thời gian trao đổi với ông Jensen Huang, người đồng sáng lập và là Chủ tịch Nvidia - Một công ty công nghệ đa quốc gia, chuyên thiết kế các bộ xử lý đồ họa (GPU), giao diện lập trình ứng dụng (API) cho khoa học dữ liệu và điện toán hiệu năng cao cũng như hệ thống trên các đơn vị chip (SoC) cho thị trường điện toán di động và ô tô. Thủ tướng đề nghị, Nvidia tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Tập đoàn có thế mạnh và Việt Nam cũng đang dành ưu tiên cao, góp ý, tư vấn về chính sách, hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực công nghệ và quản trị, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Nvidia hiện có nhiều đối thủ cạnh tranh, song tập đoàn này vẫn được coi là doanh nghiệp rất đặc biệt bởi các công ty trong lĩnh vực AI khác trên thế giới đều phải sử dụng các sản phẩm của Nvidia. Tại Việt Nam, Nvidia là nhà cung cấp máy chủ và AI hàng đầu cho Tập đoàn Viettel, đặc biệt là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đang nghiên cứu phát triển hệ thống siêu tính toán với chip A100 của Nvidia nhằm hỗ trợ triển khai các giải pháp AI mới nhất. Hai bên dự kiến hoàn thiện các thủ tục nội bộ và ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu-phát triển-chuyển giao và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn thời gian tới. Hai bên kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á...
Synopsys là một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Các sản phẩm bao gồm các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip và hệ thống máy tính. Trong khuôn khổ hợp tác, Synopsys hỗ trợ Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Cục đang chủ trì tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Trong đó, công nghệ tiên tiến của Synopsys dự kiến được đưa vào nguyên mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa các thiết kế SoC phần mềm và phần cứng. Synopsys cũng đang triển khai một trung tâm ươm tạo và thiết kế chất bán dẫn phối hợp với Khu công nghệ cao TP.HCM.
Theo ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn của Mỹ (SIA), nhìn nhận, đại dịch Covid-19 giúp chúng ta thấy rõ hơn chuỗi cung ứng chip bị gián đoạn, nhất là xung đột Mỹ - Trung đã làm thay đổi bản chất ngành, đó là cơ hội mới cho Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chip. Việt Nam có lợi thế về nhân công hơn hẳn Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, ông Jimmy Goodrich cho rằng, Việt Nam có lợi lớn khác là sự hiện diện Intel, Samsung – những tập đoàn hàng đầu về công nghệ đã xây dựng nhà máy và tiến tới mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam.
Với những kết quả đã thu hoạch được từ các buổi làm việc, tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, giữa Lãnh đạo nước ta với cộng đồng các doanh nghiệp Mỹ, chúng ta có quyền hy vọng, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ từ Mỹ vào lĩnh vực điện – điện tử, bởi Việt Nam được chứng minh là một đất nước chính trị ổn đinh, môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh cho các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực linh kiện bán dẫn, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, điện – điện tử, đáp ứng được chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Minh Anh