Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường với tỷ lệ tương đương thông báo của nhà sản xuất; tính đến thời điểm hiện nay Việt Nam không ghi nhận bất cứ trường hợp nào có biểu hiện đông máu sau tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Quy trình tiêm chủng được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất
Vắc-xin Covid-19 đang được tiêm chủng tại Việt Nam là vắc-xin do hãng AstraZeneca sản xuất được nghiên cứu và phát triển bởi đại học Oxford. Vắc-xin lần đầu được cấp phép sử dụng tại Anh vào ngày 30/12/2020 và được Tổ chức Y tế thế giới (WTO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ngày 15/2/2021.
Đến nay, vắc-xin đã được sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 6 châu lục với khoảng 17 triệu người tại châu Âu đã được tiêm chủng. Tại Việt Nam, vắc-xin được phê duyệt sử dụng có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 ngày 1/2/2021. Vắc-xin AstraZeneca có thể được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ lạnh thông thường từ 2-8 độ, phù hợp với hệ thống dây chuyền lạnh hiện có nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, vắc-xin AstraZeneca được chỉ định cho người từ 18 tuổi trở lên với lịch tiêm 2 liều cách nhau từ 4-12 tuần. Thông báo của nhà sản xuất, 3 tuần sau tiêm liều 1 hiệu lực của vắc-xin là 76% và hiệu lực sau khi hoàn thành lịch tiêm 2 liều vắc-xin với khoảng cách 12 tuần giữa hai liều là 82%. Các dữ liệu về hiệu lực và tính an toàn của vắc-xin đối với người trên 65 tuổi còn hạn chế.
Vắc-xin được chỉ định cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch… nếu những người này thuộc nhóm nguy cơ cao và lợi ích của tiêm vắc-xin vượt trội so với nguy cơ mắc bệnh. Đối với nhóm người mắc Covid-19 cấp tính đã được xét nghiệm chuẩn đoán dương tính bằng phương pháp RT-PCR, có thể được chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh. Còn nhóm người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng Covid-19 điều trị trước đó, việc tiêm chủng vắc-xin được khuyến cáo ít nhất sau 9 tháng điều trị kháng thể kháng Covid-19. Đồng thời, chống chỉ định tiêm vắc-xin với những người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin, có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trước.
Gần đây, sau một số báo cáo vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca gây ra tình trạng đông máu và một số nước châu Âu dừng tiêm chủng vắc-xin này, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khẳng định vắc-xin của AstraZeneca an toàn và hiệu quả; lợi ích của vắc-xin AstraZeneca là vượt trội so với nguy cơ có thể có của vắc-xin này đối với tình trạng huyết khối sau tiêm vắc-xin và khuyến cáo tiếp tục sử dụng vắc-xin này. WTO cũng khẳng định không thấy biểu hiện gia tăng đông máu trong những người đã tiêm chủng. Các nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia cũng đã nối lại sử dụng vắc-xin AstraZeneca.
Trước đó, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch, tiếp nhận, bảo quản và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19; chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm chủng vắc-xin an toàn cho nhân dân.
Theo Bộ Y tế, khác với hoạt động tiêm chủng thường xuyên được thực hiện bởi hệ thống y tế dự phòng, chủ yếu tại các trạm y tế xã, phường, lần này nhiều cơ sở điều trị (các bệnh viện) lần đầu tham gia triển khai tiêm vắc-xin. Việc đưa một vắc-xin mới vào sử dụng trên diện rộng đòi hỏi phương pháp tiếp cận phù hợp, đảm bảo an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu với phương châm “tiêm tới đâu an toàn đến đó”. Do đó, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cập độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.
Bố Y tế - nhấn mạnh, phạm vi, quy mô triển khai và đối tượng tiêm chủng sẽ theo sát tiến độ cung ứng vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc phân bổ vắc-xin cho các địa phương để hướng tới mục tiêu tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.
Nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc-xin phòng Covid-19
Trên toàn thế giới hiện nay nguồn cung vắc-xin rất khó khăn do số nhà sản xuất vắc-xin đạt tiêu chuẩn tiềm thẩm định của WTO không nhiều; công suất sản xuất vắc-xin của các nhà sản xuất còn hạn chế; một số nước như Mỹ, Anh, châu Âu đã chủ động hỗ trợ nghiên cứu và đặt hàng mua vắc-xin ngay trong giai đoạn nghiên cứu với số lượng lớn… Dẫn tới khan hiếm cung ứng vắc-xin trên toàn cầu, đặc biệt rất khó khăn cho các nước đang phát triển tiếp cận với nguồn vắc-xin.
Tại Việt Nam, với sự nỗ lực của Bộ Y tế đã tiếp cận các nguồn cung ứng vắc-xin, cụ thể: Hỗ trợ của COVAX Facility (Cơ quan do WTO) và các tổ chức như UNICEF, GAVI, CEPI thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19.
Theo thông báo của UNICEF, dự kiến cuối tháng 3/2021, lô vắc-xin đầu tiên trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility về đến Việt Nam, gồm 1,37 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca và sau đó là 2,8 triệu liều vắc-xin dự kiến tiếp theo về Việt Nam vào cuối tháng 4/2021. Tuy nhiên, Bộ Y tế - cho hay, do nguồn cung vắc-xin trên toàn cầu còn khó khăn, việc xuất khẩu vắc-xin tại các nước sản xuất bị hạn chế nên các lô vắc-xin đầu tiên này có thể bị lùi lại thời gian cung ứng. Số lượng vắc-xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến cung ứng từ quý III/2021 và có thể phải lùi tới năm 2022.
Vắc-xin của AstraZeneca thông qua Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) cung ứng. Hiện, chỉ có VNVC, UNICEF, COVAX Facility được AstraZeneca lựa chọn để cung ứng cho Việt Nam. Lô đầu tiên 117.600 liều của AstraZeneca do SK Bio- Hàn Quốc sản xuất đã về đến Việt Nam. Dự kiến, 29,87 triệu liều vắc-xin còn lại sẽ về đến Việt Nam trong quý II và III/2021. Tuy nhiên, thời gian chính xác có thể lùi lại do khó khăn về cung ứng vắc-xin trên thế giới.
Bên cạnh đó, hiện Bộ Y tế đang khẩn trương làm việc với các đơn vị liên quan để tiếp cận các nguồn vắc-xin khác nhau, triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 ở Việt Nam. Như, Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vắc-xin và Sinh phẩm Y tế đang đàm phán với Nga để mua vắc-vin Sputnik V; với vắc-xin của Pfizer của Pháp, Bộ Y tế đang đàm phán để mua. Theo thông tin từ Pfizer, hãng này có thể cung cấp 31 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam và lộ trình cung ứng sẽ thông báo sớm nhất. Tuy nhiên, vắc-xin có yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ âm sâu, từ -80 độ C đến -60 độ C trong khi dây chuyền lạnh của tiêm chủng mở rộng Việt Nam chỉ có thể đáp ứng việc bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ từ 2-8 độ C.
Ngoài nguồn vắc-xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước. Hiện, vắc-xin Nanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/2/2021. Vắc-xin Covivac do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3/2021. Vắc-xin do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động được vắc-xin, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch trong tương lai.
Theo Congthuong