Thứ Sáu, 22/11/2024 01:49:25 GMT+7
Lượt xem: 2958

Tin đăng lúc 17-02-2017

Việt Nam sẽ là “sân chơi” của ôtô nhập khẩu?

Chưa cần chờ tới sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu (NK) từ ASEANgiảm về 0%, hiện nay, các dòng xe ôtô NK đã và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt Nam, khiến một số nhà sản xuất lắp ráp xe ôtô trong nước tiếp tục đánh tiếng tương lai sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam.
Việt Nam sẽ là “sân chơi” của ôtô nhập khẩu?
Tương lai của ngành sản xuất ôtô trong nước ngày càng mờ mịt dù đã nhận được nhiều ưu đãi

Anh Hoàng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, anh và gia đình đang tính gom tiền mở một showroom kinh doanh xe ôtô nhỏ dưới 9 chỗ, trọng tâm là các loại xe 4 - 5 chỗ, dung tích 1.0 - 1.5L.

 

Theo anh Hoàng, trước khi đưa ra quyết định này, anh đã đi khảo sát nhiều showroom trong thành phố và nhận thấy rằng, hiện các dòng xe nhỏ này đang bán khá chạy, bởi giá rẻ và được NK nhiều, những xe mới chỉ có mức giá 300 - 500 triệu đồng/chiếc, tùy theo phiên bản, đã bao gồm thuế.

 

Xe nhập tăng trưởng tốt

 

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2017, lượng ôtô dưới 9 chỗ NK từ khu vực ASEAN tăng mạnh, đạt 3.408 chiếc, chiếm 62,8% lượng xe ôtô dưới 9 chỗ NK của cả nước, bằng 233% so với cùng kỳ năm 2016.

 

“Chỉ trong một tháng đầu năm, lượng xe nguyên chiếc dưới 9 chỗ này đã bằng 45% lượng nhập của cả năm 2016”, Tổng cục Hải quan cho hay.

 

Tổng cục Hải quan nhận định, tháng 1/2017 tiếp tục là sân chơi của xe giá rẻ từ các thị trường ASEAN và Ấn Độ, bởi lượng xe của các nước này đã chiếm hơn 70% tổng lượng xe nhập (trên 5.400 xe) tại Việt Nam, còn lại chia đều cho các thị trường xe khác, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ và Nga.

 

Về giá xe NK, hiện xe Ấn Độ vào Việt Nam là rẻ nhất. Trong 1.000 xe Ấn Độ nhập về tháng 1/2017, giá trị nhập chỉ 3,7 triệu USD (khoảng 84 triệu đồng/xe, chưa bao gồm thuế). Còn xe nhập từ Indonesia là 1.800 chiếc, giá trị nhập 35 triệu USD, giá xe trung bình khoảng 440 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế).

 

Như vậy, xe Ấn Độ tiếp tục là dòng xe rẻ nhất khi nhập về Việt Nam, rẻ hơn 5 lần so với giá xe trung bình của Indonesia - nước có xe NK vào Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất trong các nước ASEAN. Theo giới kinh doanh, nguyên nhân khiến xe Ấn Độ có giá thấp như vậy một phần do chiến lược cạnh tranh của các hãng xe nước này với các dòng xe của Thái Lan, Indonesia.

 

Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2016, thị trường Việt Nam đã chi khoảng 2.322 tỷ USD cho việc NK ôtô, trong đó, riêng tháng 12 vừa qua, lượng xe NK tăng mạnh, khoảng 16.000 xe được NK nguyên chiếc vào Việt Nam, cao nhất kể từ đầu năm, với giá trị ước tính gần 227 triệu USD.

 

Mặc dù giá trị NK cao nhưng các mẫu xe NK vào Việt Nam trong tháng 12 vừa qua đều là các mẫu xe nhỏ, có giá trị thấp; trung bình mỗi chiếc xe NK vào Việt Nam trong tháng 12/2016 có giá trị 14.190 USD, thấp hơn hẳn so với tháng 10 và tháng 11 trước đó (với giá trị xe NK trung bình lần lượt là 18.000 USD và 15.833 USD).

 

Doanh nghiệp tính chuyện rời đi

 

Dự báo về ngành kinh doanh và sản xuất ôtô trong năm 2017, các chuyên gia nhận định rằng nhu cầu NK xe ôtô nguyên chiếc (bao gồm cả xe mới và xe cũ) sẽ tăng lên rất nhiều, nhất là với mặt hàng xe mới, khi đã có khá nhiều thương hiệu đang lắp ráp trong nước sẽ chuyển sang NK nguyên chiếc như Toyota Fortuner, Honda Civic, Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport... Toàn bộ phân khúc xe bán tải ở Việt Nam đã được NK từ Thái Lan.

 

Trong bối cảnh xe NK tăng trưởng mạnh, các DN sản xuất lắp ráp xe ôtô trong nước đã tính chuyện rời đi. Động thái mới đây là việc Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp.HCM cho biết, một số hãng ôtô Nhật Bản có thể sẽ rút khỏi Việt Nam.

 

Không tiết lộ cụ thể DN nào có thể rút đầu tư, nhưng vị đại diện JETRO cho biết, chính sự giậm chân tại chỗ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong nhiều năm qua đã khiến các DN đang tính tới việc chuyển sang những nước lân cận trong khu vực, như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia... Việt Nam hiện có nhiều DN sản xuất ôtô của Nhật đang đầu tư, là Toyota, Mazda, Honda, Suzuki…

 

Vấn đề này không hề mới. Trước đó, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) đã từng bày tỏ lo ngại rằng sau năm 2018, khi thuế NK từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí.

 

Các DN Nhật Bản cho biết, sản lượng của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn quá nhỏ bé so với Thái Lan và Indonesia. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất ôtô của Việt Nam tiến hành nội địa hóa nhiều hơn trong khi sản lượng thấp, tất yếu sẽ làm phần lớn tăng chi phí.

 

Do đó, hiện nay, các nhà sản xuất ôtô Việt Nam vẫn phải NK hầu hết linh kiện CKD (Completely Knocked Down: xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được NK).

 

Ông Phạm Thành Chung - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, cũng từng dự báo là sau năm 2018, về phía nhà sản xuất, do thuế giảm nên việc lắp ráp xe bắt đầu mất lợi thế, sẽ có những mẫu xe chuyển sang NK. Chẳng hạn, Toyota Việt Nam đã quyết định sẽ chuyển sang nhập mẫu Fortuner về phân phối, thay vì lắp ráp trong nước từ đầu năm tới.

 

Một số DN cho biết, năm 2017 là bước đệm quan trọng để thăm dò thị trường với các sản phẩm mới NK nguyên chiếc, chuẩn bị cho giai đoạn từ năm 2018 trở đi, khi thuế giảm sâu.

 

Theo ông Chung, suy cho cùng, các hãng xe đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng vì mục tiêu lợi nhuận. Khi được hưởng nhiều ưu đãi, thị trường trong nước thu được nhiều lợi nhuận, họ sẽ ở lại. Còn khi quy mô thị trường nhỏ, phát triển sản xuất quy mô lớn không khả thi, các ưu đãi không còn… việc họ rời đi cũng là điều dễ hiểu và nên chấp nhận.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang