Đây là nhận định Tổng Giám đốc quản lý và tư vấn đầu tư nước ngoài thuộc ngân hàng UOB (United Overseas Bank) Sam Cheong Chwee trong bài viết phân tích về tình hình kinh tế khu vực đăng trên báo "Liên hợp buổi sáng" (Singapore).
Số liệu thống kê của Hội nghị về thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam năm 2018 đã thu hút được lượng vốn FDI lên tới 16 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Bộ KH&ĐT công bố các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ hơn 18,4 tỷ USD vào những dự án ở Việt Nam.
Đạt được kết quả này là nhờ Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trọng tâm, nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đơn cử như việc quy hoạch và xây dựng thành phố cảng Hải Phòng thành một trung tâm kinh tế mới tại khu vực Đông Bắc đã thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Sự tăng trưởng về kinh tế và công nghiệp sẽ giúp Việt Nam trong khoảng một thập kỷ tới đây luôn là đối tác và thị trường quan trọng tại khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) về cập nhật kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương ấn bản tháng 10/2019, với tiêu đề: “Thích ứng rủi ro” đưa ra đánh giá triển vọng nền kinh tế Việt Nam vẫn tích cực trong trung hạn dù vẫn còn những rủi ro theo hướng suy giảm.
Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút nhiều FDI hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, kết nối giữa FDI và khu vực tư nhân tại Việt Nam vẫn còn yếu. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng từ những thay đổi về tình trạng kinh tế trên toàn cầu, do chính sách mở cửa nền kinh tế mạnh mẽ, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối hạn chế. Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam.
Nếu những cải cách cơ cấu, tài khóa và khu vực ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ hơn, thì sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng cao bền vững.
Các chuyên gia của WB nhận định, tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và năng lực cạnh tranh ngày càng cao là hai động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện tại.
Theo Báo Chính Phủ