Theo Independent, báo cáo xếp hạng các quốc gia thịnh vượng nhất thế giới của Viện Nghiên cứu Legatum căn cứ theo chất lượng hoạt động của các nước trên tám tiêu chí đánh giá gồm: kinh tế, thương mại và cơ hội kinh doanh, điều hành của chính phủ, giáo dục, y tế sức khỏe, an toàn và an ninh, tự do cá nhân và tính chất kết nối, đoàn kết trong xã hội.
Năm nay bảng xếp hạng về thịnh vượng của các quốc gia tôn vinh Na Uy là nước đứng đầu. Thụy Sĩ đứng thứ hai vì kém điểm ở hệ thống giáo dục trong khi Đan Mạch đứng thứ ba.
Có 142 nước góp mặt trong báo cáo năm nay. Việt Nam đứng thứ 55, tăng một bậc so với năm ngoái và tăng 7 bậc so với năm 2013. Năm nay thứ bậc xếp hạng của Việt Nam cao hơn Nga ba bậc (đứng thứ 58), hơnIndonesia 14 bậc (thứ 69).
Bảng xếp hạng cũng đánh giá lĩnh vực hoạt động tốt nhất của Việt Nam trong năm 2015 là kinh tế. Ở tiêu chí này Việt Nam đứng thứ 32/142 quốc gia. Tuy nhiên lĩnh vực được cho là còn kém ở Việt Nam là y tế sức khỏe khi chỉ đứng thứ 90/142 quốc gia trong báo cáo.
Mỹ đứng thứ 11 trong khi Anh tụt hai bậc so với năm ngoái xuống vị trí thứ 15. Singapore đứng thứ 17 vì thấp điểm ở tiêu chí đánh giá về tự do cá nhân và kết nối xã hội.
Trung Quốc đứng thứ 52 trong bảng xếp hạng tổng thể. Tuy điểm số ở tiêu chí kinh tế của nước này cao nhưng lại đứng thứ 120 trong bảng xếp hạng về tự do cá nhân. Saudi Arabia cũng ở tình huống tương tự Trung Quốc. Đứng chót bảng là Cộng hòa Trung Phi.
Bảng xếp hạng mức độ thịnh vượng của các nước do Viện Nghiên cứu Legatum công bố thường niên được xem như một nguồn thông tin tham khảo về mức độ thành công tương đối của các quốc gia trên thế giới. Báo cáo xếp hạng thường niên này bắt đầu công bố từ năm 2009 tới nay.
Nguồn: Thời báo kinh doanh