Thứ Hai, 25/11/2024 08:48:19 GMT+7
Lượt xem: 1356

Tin đăng lúc 17-02-2021

Viết tiếp bản hùng ca hạt gạo Việt

Những ngày đầu năm 2021, những chuyến hàng chở những tấn gạo “mở hàng” năm mới đã chính thức rời cảng, nối dài những thành tích kỳ diệu mà hạt gạo đã đạt được từ năm 2020.
Viết tiếp bản hùng ca hạt gạo Việt
Hạt gạo Việt ngày càng được nâng cao chất lượng

Từ những hạt gạo đậm nghĩa tình trong hũ gạo cứu đói được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động khi đất nước mới vượt qua những ngày gian khó, đến nay, hạt gạo Việt Nam đã viết tiếp bản hùng ca khi không chỉ mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước mà còn góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sức mạnh lớn từ hạt gạo nhỏ

 

Ngày 26/1, lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng được doanh nghiệp Long Dan tại Anh nhập của Vinaseed đã được bày bán tại chuỗi siêu thị Long Dan với giá bán lẻ lên đến 15,5 bảng Anh (465.000 đồng)/10 kg. Long Dan là doanh nghiệp đầu tiên nhập gạo từ Việt Nam sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh có hiệu lực. Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nhập gạo Việt Nam theo UKVFTA.

 

Trước đó, ngày 13/1, lô 1.600 tấn gạo đầu tiên “mở hàng” cho mùa xuất khẩu 2021 của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đi Singapore và Malaysia có mức giá không thể đẹp hơn, lên đến 750 USD/tấn. Hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng này là gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài; trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 sẽ đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài được giao cho khách hàng ở Malaysia với giá 750 USD/tấn. Bên cạnh lô hàng trên, Công ty Trung An còn có một đơn hàng hơn 2.000 tấn được xuất sang Đức, tiếp tục tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực trước đó.

 

Đó là hai lô hàng mở đầu năm mới rất thành công cho hạt gạo Việt, kỳ vọng mở ra năm 2021 với nhiều kỳ tích hơn năm trước. Xuất khẩu gạo năm 2020 đạt khoảng 6,15 triệu tấn, trị giá 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu giảm khoảng 3,5% so với năm 2019, chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Nhiều thời điểm, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới. Gạo trở thành mặt hàng nông sản hiếm hoi có tăng trưởng dương, và liên tục được nhắc đến trên thị trường thế giới.

 

Nhìn những thành tích mà “hạt ngọc Việt” đạt được trong năm vừa qua, có lẽ không ít người nhớ lại khoảng thời gian cả nước khó khăn khi chiến tranh vừa kết thúc. Khi đó, hạt gạo cũng giữ vị trí quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế. Ấy là giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền mới, nhà nước non trẻ phải đối diện với những “kẻ thù” là giặc đói, giặc dốt, ngân khố trống rỗng, thù trong giăc ngoài… Tất cả đều đe dọa đến sự tồn vong của đất nước.

 

Ngay sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa diễn ra ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 vấn đề cấp bách, trong đó theo Người, quan trọng nhất là phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay một cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo. “Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo”. Hạt gạo lúc này quý hơn ngọc ngà châu báu.

 

Từ lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói đã vận động lạc quyên, tổ chức “ngày đồng tâm” nhịn ăn lập “hũ gạo cứu đói”… trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Tại Thái Bình nơi nạn đói diễn ra khốc liệt nhất, phong trào cứu đói diễn ra rất sôi nổi, đã lôi kéo được đông đảo giáo viên Hội Truyền bá quốc ngữ, Thanh niên cứu quốc, công chức, nhà giáo. Cứ buổi trưa, họ quyên gạo, củi, xong nồi rồi nấu thành cơm nắm lại đưa cho người bị đói. Quỹ cứu đói quyên góp được 30 tấn thóc, xin Khâm sai Phan Kế Toại được 100 tấn. Ngoài ra, Việt Minh còn tổ chức nhiều đợt cướp kho thóc, thuyền thóc của Nhật. Truyền thống đồng cam cộng khổ “một miếng khi đói bằng 1 gói khi no”, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành các chính sách, biện pháp như: cấm dùng gạo nấu rượu, xóa bỏ mọi hạn chế trong việc lưu thông gạo giữa các vùng trong cả nước, cấm dân tích trữ gạo, thành lập tổ chức “ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế” của chính phủ. Việc chuyên chở gạo từ các tỉnh ở Nam Bộ và Trung Bộ ra Bắc Bộ được tiến hành nhanh chóng để kịp đưa gạo đến các địa phương cứu đói. Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cộng với những biện pháp tích cực của chính phủ, từ những hạt gạo nghĩa tình và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nạn đói năm 1945 được đẩy lùi.

 

Khẳng định thương hiệu

 

76 năm đã trôi qua từ những ngày lịch sử không thể nào quên, hạt gạo bé nhỏ từng cùng đất nước đi qua những năm tháng vô vàn khó khăn giờ tiếp tục đồng hành trong hành trình hội nhập mạnh mẽ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, gạo Việt Nam ngày càng xác lập thương hiệu trên thị trường khi liên tục lọt Top Gạo ngon nhất thế giới (Gạo Thiên Long hạt ngọc trời năm 2015 và ST 24 năm 2017), trong đó riêng năm 2019, gạo ST 25 đạt danh hiệu Gạo ngon nhất thế giới. Danh hiệu này khẳng định Việt Nam đã qua thời kỳ xuất khẩu gạo theo số lượng, hướng đến xuất khẩu gạo chất lượng cao. Nhiều chuyên gia nông nghiệp khác còn tỏ ra lạc quan, nếu xây dựng được thương hiệu, có kế hoạch bài bản và lâu dài cho sản xuất và xuất khẩu gạo, gạo Việt Nam “có thể quyết định được giá gạo thế giới”.

 

Hiện nay, các kỹ sư nông nghiệp đang tiếp tục ươm tạo giống ST26, dòng tiếp theo của loại gạo ngon nhất thế giới với những ưu điểm vượt trội hơn, hứa hẹn sẽ lập nên những thành tích mới.

 

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vượt qua năm 2020 với nhiều thành tích, xuất khẩu gạo trong năm 2021 vẫn tốt bởi nhu cầu về lương thực vẫn tiếp tục tăng khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, các nước Đông Nam Á, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thị trường gạo khu vực châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng rất tiềm năng đang ráo riết mua vào; trong đó điển hình phải kế đến Trung Quốc và Bangladesh... Nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp, vốn là mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt.

 

Chưa kể, gạo Việt còn có thêm cơ hội xuất khẩu vào một số thị trường mà chúng ta vừa ký kết FTA mới. Cụ thể, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10 nghìn tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Hay với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), gạo Việt xuất khẩu vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch.

 

Từ những ngày đói kém đến những ngày lạc quan khi đất nước hội nhập sâu rộng, hạt gạo nhỏ bé đang cùng đất nước viết thêm những mốc lịch sử mới, xứng danh hạt vàng của quốc gia.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang